Sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều địa phương
Tại Đà Nẵng, tính đến nay đã ghi nhận 8.051 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 16,5 lần so với năm 2021. Số ca mắc trung bình lên đến 320-340 ca/tuần, cao hơn ngưỡng trung bình từ tháng 10 đến tháng 11 (trong 5 năm từ 2016-2020) và cao hơn năm 2019 là năm có số ca mắc cao nhất. Tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng số ca mắc đang có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Cụ thể, từ ngày 31/10 đến ngày 6/11, Đà Nẵng ghi nhận 458 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28,2% và có 34 ổ bệnh nhỏ, tăng 26,5% so với tuần trước. Cộng dồn năm 2022, địa phương ghi nhận 797 ổ bệnh, tăng 11,6 lần so với năm 2021.
Hiện Đà Nẵng có 15 xã, phường ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết cao trong 5 tuần vừa qua, gồm Hòa Minh, Hòa Hải, Hòa Quý, Hòa Khánh Bắc, Hòa Thọ Đông, Hòa Xuân, An Khê, Hòa Khánh Nam, Hòa Tiến, Mỹ An, Hòa Khê, Khuê Mỹ, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 1/11, đã có 13.713 ca mắc sốt xuất huyết, xuất hiện ở 18/18 huyện, thị xã, thành phố, tập trung cao nhất ở khu vực đồng bằng như: TP. Tam Kỳ là 1.839 ca, huyện Thăng Bình là 2.715 ca, huyện Đại Lộc là 1.309 ca, huyện Duy Xuyên là 1.264 ca…
Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho hay, Viện Pasteur Nha Trang đã tổ chức giám sát các ổ dịch tại Quảng Nam. Kết quả cho thấy, hiện nay virus gây sốt xuất huyết tại Quảng Nam có đủ cả 4 chủng Den 1, Den 2, Den 3 và Den 4, trong đó số ca mắc phải tuýp Den 3 là tuýp (dễ gây bệnh nặng và tử vong) ghi nhận nhiều. "Quảng Nam đang ở những tuần báo động của đỉnh dịch, trung bình một tuần hiện nay ghi nhận có gần 900 ca mắc. Báo động mức độ lây lan mạnh trong cộng đồng", ông Kiệm thông tin.
Tại Quảng Bình, tính đến ngày 7/11 đã có 6.508 ca mắc tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Tỉ lệ mắc tăng gấp 32 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc cao nhất ở huyện Lệ Thủy và Bố Trạch, Quảng Ninh. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận thêm khoảng 100 ca mắc mới.
Khẩn trương giám sát, xử lý các ổ dịch
Để kiểm soát, không để dịch bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch sốt xuất huyết không để dịch bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp.
Trong đó, các ngành, địa phương xác định phòng, chống sốt xuất huyết là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; khẩn trương, tích cực, chủ động chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống với phương châm "Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết"; quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch.
UBND Thành phố giao Sở Y tế giám sát, đánh giá, dự báo diễn biến dịch; chỉ đạo y tế địa phương đẩy mạnh các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch hiệu quả; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân; hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong; đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và thu dung điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
UBND các quận, huyện vận động nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; đảm bảo 100% hộ dân, nhà trọ, phòng trọ, khu đất trống, công trình xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ... trên địa bàn được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuât huyết, các cơ sở, trụ sở, địa điểm vi phạm nhiều lần, thường xuyên phát hiện lăng quăng, bọ gậy, gây nguy cơ lây lan và bùng phát dịch.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay, để phòng chống dịch hiệu quả, hiện nay UBND các huyện, thị xã, thành phố giao trách nhiệm cụ thể, ký cam kết với UBND cấp xã, các phòng, ban liên quan và huy động các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy trên toàn địa bàn.
"Trước diễn biến gia tăng, các đơn vị y tế trong tỉnh đã và đang tập trung phun hóa chất diệt muỗi chủ động, xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết ở các địa phương có số ca mắc cao, như Lệ Thủy, Bố Trạch…; phối hợp với các đoàn thể địa phương triển khai vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, hạn chế không cho muỗi gây bệnh sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó, các bệnh viện tuyến huyện đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất kịp thời", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình thông tin./.