Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. Như vậy, so với tuần 43, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca, con số này tương đương với tuần trước đó.

So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp. Dự báo, trong thời gian tới, số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7 đến hết năm.

3324-muyi-vyn-gay-bynh-syt-xuyt-huyyt-1667868804.png
Trong tuần qua số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng lên 2 trường hợp so với tuần trước đó.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (năm 2021 không có ca tử vong). Đặc biệt, số ca mắc gia tăng mạnh những tuần gần đây. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc trong khoảng 500-700 ca/tuần, thì đến cuối tháng 10/2022, ghi nhận 1.200-1.400 ca/tuần.

Trước diễn biến tăng cao của dịch sốt xuất huyết, mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Chỉ thị nhấn mạnh cần chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.

Tại TP HCM, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm tới hết tháng 10/2022, Thành phố ghi nhận 70.370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.600 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc tính đến tuần 44 là 2.3%, tăng hơn 3.4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

3559-6-dau-hieu-ca-mac-sxh-1667788010566574981988-1667868843.jpg
6 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết (nguồn :HCDC)

Ngành y tế khuyến cáo trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng li bì hoặc bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ...

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.