Chiều 25/9, Phó thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành họp với các Bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum về chỉ đạo ứng phó với bão gần biển Đông (bão Noru). Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10h ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.

1-1664113804.jpeg
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Noru.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Dự báo chiều ngày 25/9, bão đổ bộ vào Philippines. Đêm 25/9, rạng sáng ngày 26/9, bão đi vào Biển Đông (bão số 4) với cường độ cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9. Đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung (dự kiến từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi).

Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội. Đến nay các tỉnh thành đã kiểm đếm, hướng dẫn 57.840 tàu với 300.128 lao động, trong đó khu vực Bắc Biển Đông, giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là 739 tàu với 7.455 người; hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến là 57.101 tàu với 292.673 người.

Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ với 868.230 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.

2-1664113842.gif
Dường đi và hướng di chuyển của tâm bão. 

Triều cường cao nhất thời điểm bão đổ bộ lúc 23h00 ngày 27/9 là 2,3m. Trong 3 ngày vừa qua, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh và Nam Trung Bộ có mưa lớn 100-250mm, một số trạm mưa lớn như: Sầm Sơn (Thanh Hoá) 332mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 288mm, Xuân Bình (Phú Yên) 233mm.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, dự báo bão Noru là cơn bão mạnh, di chuyển với tốc độ nhanh, ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng. “Những cơn bão có cường độ lớn cấp 13 đến cấp 16 thì ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại tới tài sản tính mạng của nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung, lãnh đạo chỉ đạo từ sớm, từ Trung ương tới địa phương trong việc ứng phó với bão Noru. “Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, phải rà soát kỹ tất cả cơ sở vật chất, cơ sở xung yếu, có giải pháp để thống nhất trước khi bão đổ bộ”, Phó Thủ tướng nói.

Về những công việc cần triển khai tiếp theo, theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đối với khu vực ven biển các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận cần khẩn trương tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây. Chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt./.