Đà Nẵng: 28 trường cho học sinh nghỉ học
Ngày 10/10, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường liên thôn của huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng bị ngập. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, có 28 trường học trên toàn huyện đã chủ động cho học sinh nghỉ học. Trong đó, bậc mầm có 10/19 trường; tiểu học có 14/19 trường và THCS có 4 trường cho học sinh nghỉ học.
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cho biết, tại các trường học kể trên, nước mưa lũ đã ngập đến sân trường hoặc đường đến trường của học sinh bị ngập. Để tránh thiệt hại trong trường hợp mưa tiếp tục kéo dài gây lũ lớn, các trường đã chủ động kê cao bàn ghế, chuyển các thiết bị, đồ dùng dạy học như máy chiếu, ti vi… đồ dùng nhà bếp đến các phòng học cao hơn.
Thầy Trần Minh Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Liên 1 cho biết, đầu giờ sáng nay, sân trường ngập sâu khoảng 70 cm và nước đã mấp mé vào phòng học. Ở điểm trường chính, do đường phía trước trường đang thi công nên bị ngập cục bộ, vì vậy phải thông báo cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất và ngập úng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là người dân sống ở ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê…; tổ chức chốt chặn các nơi bị ngập sâu, nghiêm cấm người dân đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông; sẵn sàng nhân lực, vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ".
Sở GTVT kiểm tra các điểm ngập lụt, sạt lở, bảo đảm giao thông được thông suốt; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn hồ chứa, đặt biệt 2 hồ chứa Đồng Nghệ và Hòa Trung.
Quảng Nam: Mực nước các sông đang lên nhanh
Mưa lớn kéo dài từ đêm qua (9/10) đến sáng nay khiến mực nước trên các sông ở Quảng Nam đang lên nhanh, nhiều tuyến đường ở các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên bị ngập, chia cắt. Một số địa phương miền núi đã xảy ra tình trạng sạt lở.
Theo ghi nhận trong sáng nay, mưa lớn làm một số tuyến đường bị ngập gây tắc đường như: QL14B ngập sâu khoảng 50 cm tại Km 32+550 (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc); Km 5+700 đoạn chợ Bà Lê (phường Cẩm Châu, TP. Hội An); Km 25+300 đoạn qua xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên); Km 51+200 đoạn qua xã Quế Trung (huyện Nông Sơn). Ngoài ra, nước sông dâng cao cũng khiến nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam bị ngập cục bộ. Hiện, các thủy điện ở phía thượng nguồn bắt đầu xả lũ xuống hạ du.
Tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, 2 người dân khi cố vượt qua sông Na (đoạn giáp ranh giữa 2 xã Trà Cang và Trà Nam) thì bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn đang nỗ lực tìm kiếm tung tích 2 người dân bị nước lũ cuốn trôi.
Trước tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo các địa phương khẩn trương ứng phó với đợt mưa lũ lớn. Theo đó, hiện nay, mực nước trên các sông đang lên, có khả năng xuất hiện một đợt lũ (với đỉnh lũ cụ thể trên sông Vu Gia ở mức trên BĐ 2, trên sông Thu Bồn ở mức BĐ 1, trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ 1).
Để tập trung ứng phó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".
Đồng thời, rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Sở GD&ĐT, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ tại các địa phương.
Quảng Ngãi: Nhiều tuyến đường miền núi bị ngập
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn từ đêm qua đến sáng nay khiến mực nước trên các sông, suối ở Quảng Ngãi dâng cao, chảy xiết. Hiện, các địa phương đang khẩn trương rà soát và lên phương án di dời người dân trong trường hợp xảy ra tình huống xấu.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đêm qua đến trưa nay (10/10), trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to và dông nhiều nơi. Lượng mưa phổ biến 80-150 mm, riêng Trà Phú (huyện Trà Bồng) 200,4 mm; lưu vực hồ Núi Ngang 179,8 mm; Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) 165,2 mm.
Tại huyện Sơn Hà, hiện đang có mưa to, lượng mưa ước đạt trên 100 mm. Đến 9h sáng 10/10, mưa lớn đã làm ngập cầu Sơn Giang - Sơn Linh, cầu Tầm Linh, xã Sơn Linh gây chia cắt giao thông cục bộ tuyến đường ĐH 72 đi các xã Sơn Cao - Sơn Linh - Sơn Giang.
Huyện Sơn Hà đã triển khai lực lượng tổ chức kiểm tra những khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng thấp để triển khai biện pháp di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn, khi có tình huống xấu. Bên cạnh đó, chủ động vận hành các công trình thủy lợi để tiêu úng, thoát lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó mưa lớn.
Trong khi đó, tại huyện Trà Bồng, cầu tràn qua sông Giang, nối xã Trà Tân và Trà Bùi, nước đã qua tràn. Trên suối Nang chảy qua trung tâm thị trấn Trà Xuân mực nước dâng cao, chảy xiết.
Hiện, nước ở thượng nguồn đang đổ về rất mạnh, chính quyền cảnh báo người dân vùng hạ lưu, vùng trũng thấp cần đề phòng nước lũ lên nhanh, ngập lụt, tuyệt đối không ra suối đánh cá, vớt củi khi nước lũ dâng cao.
Huyện Trà Bồng cũng chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình mưa lớn, những vùng có nguy cơ sạt lở đất, sạt lở núi chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu, sớm di dời dân người đến nơi an toàn./.