Không để người dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cơn bão số 4 không gây thiệt hại về người nhưng có 6 nhà bị sập hoàn toàn, 419 nhà bị tốc mái; 114 ha hoa màu, 3 ha cây ăn quả, 30 ha cây trồng lâu năm bị ảnh hưởng; 585 cây xanh bị đổ, ngã; khoảng 3.245 m bờ sông, bờ biển bị xâm thực, sạt lở…
Ngay sau bão, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp đến các khu vực bị thiệt hại nặng để động viên, thăm hỏi nhân dân, chỉ đạo các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4, hỗ trợ bà con khôi phục đời sống, tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở.
Thực hiện ý kiến của lãnh đạo tỉnh, các huyện, thị xã và TP. Huế đã huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để bảo đảm sinh hoạt trở lại. Cùng với đó, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, công an tỉnh đã điều động hàng nghìn cán bộ chiến sĩ cơ động về khắp các huyện hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả sau bão số 4.
Tại thôn Khánh Mỹ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang), nơi có 6 ngôi nhà bị đổ sập, 68 nhà bị tốc mái, đông đảo cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh, công an tỉnh đã chung tay hỗ trợ người dân lợp lại những mái tôn, sửa nhà, dọn cây xanh tại các hộ gia đình, khu dân cư. Cùng thời điểm, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng có mặt tại huyện Quảng Điền để hỗ trợ địa phương bốc, phơi hàng trăm tấn lúa bị ẩm ướt trong bão, giúp các trường học thu gom mái tôn, dọn dẹp cây cối gãy, đổ và tổng dọn vệ sinh môi trường.
Đến trưa 29/9, các nhà bị tốc mái do bão số 4 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản khắc phục xong, riêng các hộ có nhà sập trong thời gian xây dựng lại, địa phương đã sắp xếp nơi ở tạm, không để người dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất, góp phần ổn định đời sống của bà con.
Cùng với đó, các huyện, thị xã và TP. Huế, Sở Giao thông vận tải cũng nhanh chóng huy động lực lượng khôi phục lại hệ thống biển báo bị hư hỏng, dọn dẹp cây xanh, rác thải trên các tuyến đường giao thông. Đến tối 28/9, đã thông xe trở lại bình thường trên toàn tỉnh. Đến ngày 29/9, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã huy động lực lượng khôi phục dần các phụ tải để sớm cấp điện lưới trở lại.
Để bà con sớm ổn định đời sống sau thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác khắc phục thiệt hại; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống.
Bão vừa qua là tỉnh tập trung khắc phục ngay thiệt hại
Tại Quảng Nam, theo thống kê, toàn tỉnh có 116 nhà bị sập, 285 nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 3.770 nhà bị tốc mái, hư hỏng;159 phòng học bị tốc mái; 39 trụ sở làm việc của các cơ quan cũng bị ảnh hưởng; sạt lở 450 m bờ sông và 800 m bờ biển; thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, gia súc, gia cầm; 4 tàu cá bị chìm; sạt lở trên 5.000 m tuyến đường quốc lộ và tuyến giao thông địa phương….
Ngay sau bão, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các đoàn kiểm tra và chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ tại các huyện, thành phố ven biển. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống. Khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Trong cơn bão vừa qua, ngành điện tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng nặng nhất so với các địa phương khác ở miền Trung.
Theo thống kê, bão số 4 đã làm 442.949 khách hàng bị mất điện, chiếm 95,7% khách hàng Công ty Điện lực Quảng nam đang quản lý…để khắc phục cấp điện lại sớm nhất, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã điều động 8 đội xung kích với 182 người và 16 phương tiện cẩu, tải. Công ty Điện lực Quảng Nam đang huy động nhân lực hơn 1.072 người và 28 phương tiện cẩu, tải để tăng cường xử lý sau bão.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, trong những ngày qua, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng các đơn vị để khôi phục lưới điện. Có những khu vực, cán bộ, nhân viên Điện lực làm việc trắng đêm, nhờ đó đến 7h ngày 1/10, PC Quảng Nam đã khôi phục cấp điện 430.619 khách hàng (97,3% số khách hàng do đơn vị đang quản lý đã có điện), hiện còn 12.330 khách hàng chưa có điện. PC Quảng Nam đang khẩn trương tiếp tục tập trung nhân lực, phương tiện để khắc phục cấp điện số khách hàng còn lại.
Ghi nhận tại TP. Hội An, từ ngày 28/9 đến nay, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại do bão, tổng dọn dẹp vệ sinh trường học, cơ sở y tế và sửa chữa các công trình công cộng, khôi phục hệ thống điện, đường giao, phòng, chống dịch bệnh sau bão.
Tại khu phố cổ Hội An, ngay khi nước lũ rút, đông đảo người dân, khách du lịch, các hộ kinh doanh phối hợp cùng chính quyền xử lý cành lá cây, rác thải sau bão và lũ. Tổng dọn vệ sinh môi trường, tẩy rửa bùn non trên các tuyến phố, kiệt, hẻm… nhanh chóng trả lại cảnh quan sạch đẹp cho khu phố cổ, khôi phục hoạt động dịch vụ, du lịch.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Hồ Quảng Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Bão vừa qua là tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành ưu tiên khôi phục sản xuất, hỗ trợ người dân. 6h sáng 28/9, UBND tỉnh đã thông báo cho phép người dân đi lại bình thường, chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Nam tập trung khắc phục lưới điện tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đến 12h trưa 28/9, Khu phức hợp ô tô Chu Lai-Trường Hải, các nhà máy, công xưởng sản xuất lại bình thường…"
Những ngày qua, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt để khôi phục hạ tầng giao thông, lưới điện, mạng viễn thông… Đến nay, lưới điện gần như khôi phục 100%, các tuyến giao thông cơ bản thông suốt, riêng nhà bị hư hỏng, các lực lượng đã tích cực hỗ trợ người dân sửa lại, đồng thời thống kê để hỗ trợ gia đình có nhà sập, hư hại nặng, giúp bà con sớm ổn định đời sống, sản xuất.
"Có thể nói, để khôi phục hoàn toàn hậu quả sau mỗi đợt bão lũ, không phải ngày một ngày hai là làm được nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung sức của các lực lượng, đoàn thể đã làm ấm lòng người dân trong mỗi lúc khó khăn, qua đó góp phần tô thắm truyền thống "tương thân, tương ái" của cộng đồng", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói./.