Hôm qua (2/7), toàn bộ binh sỹ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO đã rút khỏi căn cứ không quân Bagram – căn cứ quân sự lớn nhất tại Afghanistan sau gần 20 năm hiện diện tại đây. Căn cứ đã được chuyển giao cho phía quân đội Afghanistan. Bagram là căn cứ quân sự lớn nhất của các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Afghanistan và có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho thủ đô Kabul. Căn cứ này là nơi hạ cánh của các chuyến bay chở nhiều vị nguyên thủ quốc gia bao gồm cả Tổng thống Mỹ khi tới Afghanistan trong nhiều năm qua.
Ở thời kỳ cao điểm, có tới hàng chục nghìn binh sĩ của Mỹ và các quốc gia khác đồn trú tại căn cứ này. Tuy nhiên, hôm qua, căn cứ này đã được chuyển giao cho chính quyền Afghanistan.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Việc chuyển giao Căn cứ Không quân Bagram cho lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan là những dấu mốc quan trọng trong quá trình rút lui của chúng tôi, phản ánh sự hiện diện ngày càng ít hơn của lực lượng Mỹ tại đây. Tuy nhiên, sự hiện diện đó sẽ vẫn tập trung vào bốn điều trong suốt thời gian tới, đó là, bảo vệ sự hiện diện ngoại giao của Mỹ, hỗ trợ các yêu cầu an ninh tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, tiếp tục tư vấn và hỗ trợ cho các lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan, hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ”.
Ngay lập tức, lực lượng Taliban tại Afghanistan đã lên tiếng hoan nghênh động thái rút quân của Mỹ. Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định, người Afghanistan giờ đây đã tiến gần hơn đến ổn định và hòa bình, khi các lực lượng nước ngoài rút quân. Một bộ phận người dân Afghanistan cũng bày tỏ sự vui mừng:
“Người Mỹ phải rời khỏi Afghanistan. Đất nước này cần có hòa bình”.
“Đây là một tin tốt. Trước đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban ở Doha (Qatar). Thỏa thuận này phải được thực hiện và điều đó là vì lợi ích của Afghanistan”.
“Sẽ có hòa bình cho đất nước này. Chúng tôi muốn có hòa bình lâu dài. Mọi người chờ đợi điều đó”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Nhiều người dân Afghanistan cũng lo lắng về viễn cảnh xung đột leo thang, với việc Taliban dùng vũ lực để nắm quyền kiểm soát. Đây cũng là điều mà người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia Afghanistan – ông Abdullah Abdullah lo ngại:
“Với việc quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan, cuộc chiến tại đây đã trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Việc rút quân đã để lại những khoảng trống ở một số nơi. Thật không may, Taliban đã lợi dụng cơ hội này, bất chấp việc các bên đang đàm phán ở Doha, Qatar. Thực tế, các cuộc đối thoại này tới nay cũng chưa có tiến triển”.
Theo ông, sự ổn định, thống nhất tại Afghanistan đang bị đe dọa. Do đó, ông kêu gọi Liên Hợp Quốc và các nhà trung gian hòa giải gây áp lực lên Taliban để thúc đẩy tiến triển trong đàm phán.
Về phía quốc tế, nhiều nước NATO, bao gồm cả giới chức Mỹ từng cảnh báo sự nguy hiểm của việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ đe dọa thành quả đạt được trong 20 năm qua. Tuy nhiên, họ vẫn theo chân Mỹ rút quân ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Hôm qua, Ngoại trưởng Nga cảnh báo viễn cảnh nguy hiểm rằng IS sẽ “hồi sinh” tại Afghanistan, khi các phần tử thuộc tổ chức khủng bố này đang tăng cường xây dựng lực lượng ở miền Bắc Afghanistan. Ông hối thúc chính phủ Afghanistan và Taliban đẩy nhanh đàm phán, tránh để IS là “ngư ông đắc lợi” khi 2 bên gia tăng giao tranh, xung đột./
VOV.VN - Giới chức Mỹ đang lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp đại sứ quán của nước này ở Afghanistan với lo ngại tình hình an ninh đang xấu đi có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của các nhân viên quân sự và ngoại giao Mỹ.