8-1728957454.jpg
Bảo tồn và lưu giữ giá trị truyền thống làng nghề Hà Tĩnh (Ảnh: ST)

Những làng nghề, nghề truyền thống ở Hà Tĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận: Làng nghề muối thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà; làng nghề đan lát thôn Nam Giang, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà; nghề nề Đình Hòe, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà; nghề làm bánh đa, bánh mướt Chợ Cầu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh và nghề làm bún thôn Phương Giai, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Sản phẩm của bất cứ nghề nào, thuộc lĩnh vực gì cũng không chỉ đòi hỏi sự tài hoa, sáng tạo mà yêu cầu đối với người thợ chính là kinh nghiệm, sự chính xác cao. Chẳng hạn, nghề đúc lưỡi cày, quá trình tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ bao nhiêu gang, bao nhiêu sắt, lựa chọn than đốt lò, sét làm khuôn... đều phải đạt tiêu chuẩn. Một người thợ giỏi đổ mẻ gang phải được 20-25 cái, tỷ lệ hỏng cho phép nếu làm 10 thì chỉ hỏng 1-2 cái. Lưỡi cày đúc càng mỏng càng tốt nhưng phải sắc cạnh, sắc rãnh để cày nhẹ, lâu mòn... Nghề đúc lưỡi cày giúp người dân cải thiện thu nhập. Sau này, nhiều xưởng đúc lưỡi cày trở thành xưởng quân khí phục vụ kháng chiến. Ngày nay, sản xuất nông nghiệp đã có máy móc thay thế, song một số địa bàn miền núi hoặc địa hình hẹp, máy móc không thể “tác nghiệp” thì người dân vẫn dùng sức kéo gia súc, đi kèm với lưỡi cày, lưỡi bừa.

Ở làng Đan Chế xưa (nay là xã Thạch Long, Thạch Hà) có nghề đan - gần như là nghề chính bên cạnh nghề nông. Cho đến nay, sản phẩm nghề đan (thúng, mủng, dần, sàng...) của làng vẫn được thị trường ưa chuộng. Để có sản phẩm bền, đẹp, nguyên liệu đan phải là tre và mây (mây phải là mây tắt - mây vườn nhà). Tre phải tuyển chặt chẽ. Lóng tre phải dài, không non, không già để chẻ cật tre, nan tre chuốt sẵn sao cho trơn bóng, kích cỡ to, nhỏ tùy vào loại sản phẩm.

Chẳng hạn đan thúng thì bản nan khoảng 4-5 mm còn nếu đan dần thì bản nan khoảng 1 mm. Tùy yêu cầu sản phẩm mà có thể đan “lồng mốt” hoặc “lồng hai”. Khó nhất trong đan vẫn là khâu lận vành nên mới có câu “Đèn có khêu mới rạng/ Nống có lận mới tròn”. Sau khi lận vành xong thì đến khâu nức vành. Muốn nức vành đạt chuẩn thường phải dùng một cái dui nhỏ (que sắt nhọn) đâm từng lỗ vào nống hoặc vào thúng dưới chỗ sát ngay vành, rồi dùng mây xâu lại từng vòng, siết chặt vành với thúng, nống. Việc xoắn vòng phải chặt để vành ôm được thúng, nống tròn trịa thì sản phẩm mới đẹp, bền. Với sự kỳ công, tỉ mỉ như vậy nên mỗi ngày, nếu đan nhanh, tập trung thời gian nhiều thì cũng chỉ được 1-2 sản phẩm, tùy kích cỡ.

Hiện nay, dù đã có nhiều sản phẩm công nghiệp đồ nhựa, đồ gỗ thay thế, song sản phẩm từ làng đan các xã ở Thạch Hà và nhiều vùng trên toàn tỉnh vẫn bán hết. Nghề đan vẫn được tiếp nối, nuôi sống và cải thiện thu nhập cho người dân các địa phương bên cạnh nghề nông.

Ngày nay, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi phương thức, nhiều nghề đã không đủ điều kiện tồn tại... song cũng không ít nghề vẫn đứng vững, vận dụng, kế thừa, phát huy kinh nghiệm cha ông để đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất một cách hiệu quả. Những chính sách mới cần tập trung khuyến khích, khôi phục, tạo điều kiện cho các nghề thủ công truyền thống phát triển, không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn truyền giữ giá trị văn hóa tinh thần quý báu của dân tộc cho đời sau.