“Hành trình” 30 năm

Việc xây dựng Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô tính từ khi khởi sự đến lúc được Quốc hội thông qua đã trải qua gần 30 năm với 3 mốc thời gian. Cụ thể, bắt đầu từ năm 1993, Công an một số địa phương đã thực hiện thí điểm đấu giá. Tiếp đến, mốc thứ 2 là từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về xây dựng Nghị quyết về đấu giá biển số xe ô tô.

Mốc thứ 3 là 5 năm gần đây, được sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an nên ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao - 94,98%.

Tại một buổi họp báo của Bộ Công an, trả lời câu hỏi của phóng viên về triển khai thực hiện Nghị quyết 73, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đã tiến hành nhiều bước như xây dựng văn bản pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, không để đối tượng lợi dụng quy định của pháp luật làm sai lệch nội dung đấu giá.

Đồng thời, Bộ cũng xây dựng phần mềm đấu giá biển số xe đảm bảo công khai minh bạch, trong đó, đã dự kiến các tình huống xảy ra trong quá trình đấu giá và đặc biệt phòng ngừa trường hợp các đối tượng hacker can thiệp vào hệ thống, làm thay đổi kết quả đấu giá. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã cùng các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, dự kiến những đối tượng, những điểm, những hành vi vi phạm có thể xảy ra trong quá trình đấu giá, phòng ngừa đối tượng đầu cơ tích trữ biển số, thay đổi kết quả, lợi dụng đấu giá vi phạm pháp luật.

55-1692665746.jpg
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Thiếu tướng Lê Xuân Đức mong muốn người dân, các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng giám sát để việc thực hiện Nghị quyết đảm bảo công khai, minh bạch, thu được ngân sách nhà nước.

Sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình đấu giá biển số xe ô tô

Ngay trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá thứ nhất, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, sẽ cùng với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an giám sát chặt chẽ tất cả các buổi đấu giá biển số ô tô qua Hệ thống quản lý đấu giá. Công tác giám sát được thực hiện tại Phòng Quản lý, giám sát đấu giá biển số xe ô tô đặt ở trụ sở Cục Cảnh sát giao thông.

Theo đó, các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ giám sát sẽ theo dõi toàn bộ diễn biến các cuộc đấu giá được thể hiện trên màn hình điều hành bao gồm số kế hoạch, tên phiên, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, số lượng biển số đấu giá, lãnh đạo phụ trách phiên đấu giá và đấu giá viên, số lượng khách hàng tham gia, diễn biến quá trình đấu giá...

Mỗi khách hàng có mã số riêng và thông tin của khách hàng được bảo mật tuyệt đối. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, các giám sát viên sẽ yêu cầu dừng đấu giá. Khách hàng có thể đăng ký tham gia đăng ký biển số xe theo ý muốn 3 ngày trước khi diễn ra cuộc đấu giá biển số đó. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải tích vào biên bản trúng đấu giá, theo dõi thư điện tử để nhận thông báo. Khi người trúng đấu giá hoàn tất nghĩa vụ tài chính sẽ được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá kèm theo mã đăng ký biển số xe.

Toàn bộ quá trình đấu giá biển số hoàn toàn thực hiện thông qua mạng internet và người dân đấu giá thành công sẽ nhận kết quả tại nhà. Người không trúng đấu giá sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc 3 ngày sau khi kết thúc đấu giá.

Trước đó, Bộ Công an đã có Thông báo phiên đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô lần thứ nhất được thực hiện vào ngày 22/8/2023 bởi Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam. Bộ đã công bố danh sách 153.104 biển số ô tô được đưa ra đấu giá. Trong đó có nhiều biển “ngũ quý” như 37K-222.22 (Nghệ An), 38A-555.55 (Hà Tĩnh), 51K-777.77 và 51K-888.88 (TP Hồ Chí Minh)...

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã sẵn sàng cho việc tổ chức phiên đấu giá này. Tuy nhiên, những ngày qua, nhiều người dân tham gia các phiên trải nghiệm do Công ty Đấu giá Hợp Danh Việt Nam tổ chức cho biết, trang web đấu giá thử liên tục gặp sự cố. Mong muốn được sở hữu biển số “đẹp” nhưng họ cảm thấy lo lắng có thể mất oan số tiền đặt trước 40 triệu đồng bởi quy định đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì sẽ không được hoàn khoản tiền “cọc” này.

Về vấn đề này, Công ty Đấu giá Hợp Danh Việt Nam đã có quy chế cho phiên đấu giá. Trong đó, Công ty đưa ra nội dung xử lý trường hợp phát sinh của trang thông tin đấu giá trực tuyến. Hy vọng, mọi chuyện sẽ thuận lợi trong phiên đấu giá đầu tiên này để đưa các quy định của Nghị quyết 73 đi vào cuộc sống, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và người dân được sử dụng biển số đẹp qua đấu giá công khai.