Tại thảo luận tổ sáng 26/10, Đại biểu Vũ Huy Khánh – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh – cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo nghị quyết nhấn mạnh, nhu cầu sở hữu biển số theo ý muốn, “biển số đẹp” có từ rất lâu nhưng cơ sở pháp lý chưa chắc chắn nên việc Chính phủ trình Quốc hội lần này nhằm thí điểm áp dụng chính thức trên toàn quốc.

chua-co-xe-o-to-van-duoc-dau-gia-bien-so-1666766117.jpg
Đại biểu Vũ Huy Khánh

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 16 trước kỳ họp thứ 4, nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Như tên gọi dự kiến là: “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô” để bảo đảm ngắn gọn rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và thống nhất với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.

Mức giá khởi điểm Chính phủ trình với Hà Nội, TP HCM là 40 triệu đồng; các địa phương còn lại là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, hướng tiếp thu hiện nay áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Ủy ban QPAN nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Việc giới hạn như vậy là phù hợp, sau thí điểm có thể nghiên cứu mở rộng nếu hiệu quả.

Về quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, ông Vũ Huy Khánh cũng cho rằng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tiễn vì “với một số người, biển số “đẹp” có khi gắn với kỷ niệm gì đó của họ và họ mong muốn sở hữu nhưng nếu bấm số ngẫu nhiên thì cơ hội thấp”.

Xuất phát từ mục tiêu quản lý nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, thương mại hoá làm méo mó, không lành mạnh hoạt động đấu giá biển số xe ô tô, dự thảo cũng giới hạn nhất định quyền của người trúng đấu giá.

Người trúng không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá. Người trúng đấu giá có nghĩa vụ phải đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng nếu không biển số sẽ bị thu hồi.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng trong khoảng thời gian 12 tháng có nhiều rủi ro bất khả kháng xảy ra. Dự thảo quy định trường hợp người trúng đấu giá chết thì người thừa kế được hoàn lại tiền sau khi từ đi chi phí. Vậy tại sao không qua đời thì tại sao không cho thừa kế biển số luôn vì đã trúng đấu giá một cách hợp pháp rồi?

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) thì băn khoăn, biển số được đấu giá toàn quốc thì việc đăng ký sẽ mang biển số địa phương nào. “Tôi trúng đấu giá ở Hà Nội nhưng chuyển đăng ký về tỉnh nào đó thì xe tôi mang đầu biển số nào? Hà Nội hay của tỉnh đó?”.

Ở góc độ khác, đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) đề nghị cần xác định rõ sau khi trúng đấu giá thì cái nào thuộc sở hữu tài sản công, phần nào quyền sở hữu của công dân.

“Biển số xe đấu giá có thể lên đến cả tỷ đồng mà biển số đó bị trộm thì giá trị được xác định thế nào để cấu thành tội phạm?”, ông Sơn nêu ví dụ.

Ông Vũ Huy Khánh – Ủy viên thường trực Ủy ban QP-AN cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, danh mục số được đưa ra đấu giá sẽ được xác định trước 45 ngày trước khi nguồn dãy số được đưa ra, công bố phục vụ công tác quản lý.

“Ví dụ biển ô tô Hà Nội đang K và từ 1/1/2023 chuyển sang đầu M thì trước đó 45 ngày cơ quan đăng ký thông báo công khai về dãy số đầu M để người dân quan tâm lựa chọn. Nếu trong 1 vạn biển số đó có khoảng 3.000 người quan tâm, dù chỉ 1 người, thì số này đưa vào danh mục đấu giá. Các số còn lại sẽ nằm trong kho bấm số ngẫu nhiên”, ông Khánh phân tích.

Ông Vũ Huy Khánh cũng nhấn mạnh không giới hạn mỗi người đấu giá bao nhiêu biển mà “cứ có tiền thì cứ đấu giá, không giới hạn”, tuy nhiên, biển số đã trúng thì không được đem đi đấu giá tiếp./.