Vào hồi 16 giờ ngày 10/6/2018, tại đường Khúc Thừa Dụ, phường Phước Long, TP.Nha Trang, Khánh Hòa, giữa những người bạn chơi với nhau đã lâu, chỉ từ một xích mích nhỏ, Trương Hoàng Nam (sinh 1979) đã gây gổ đánh nhau với Đỗ Ngọc Tú (sinh 1985) và Trần Văn Hùng (sinh 1987). Hậu quả: Tú bị Nam đâm nhiều nhát chết trên đường đi cấp cứu; Hùng bị Nam đâm thương tích 37 %.

Vụ án đã để lại cho bà Nguyễn Thị Thạt, mẹ của Tú nỗi đau không bao giờ nguôi.

1-1666492070.jpg
Bà Nguyễn Thị Thạt và di ảnh của con trai.

Trương Hoàng Nam bị Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Khánh Hòa truy tố về tội “Giết người” được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 123, Bộ Luật Hình sự năm 2015, có mức hình phạt cao nhất đến Tử hình. Trương Hoàng Nam, còn gây thương tích cho Trần Văn Hùng với tỷ lệ thương tật 37%.

Ngày 24/6/2019 TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xét xử dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Bùi Thị Nghĩa. Sau 3 ngày xét xử, dưới sự lèo lái của thẩm phán Bùi Thị Nghĩa, Trương Hoàng Nam từ tội “Giết người” được chuyển thành tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” với bản án chỉ 5 năm tù. Trần Văn Hùng cũng bị mức án 2 năm tù về tội “Gây rối trật tự”. Viện KSND tỉnh Khánh Hòa Kháng nghị bản án và bà Nguyễn Thị Thạt cũng kháng cáo.

Ngày 13/11/2019 TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm, đã quyết định “Không chấp nhận Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa và kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thạt”. Bà Thạt tiếp tục có đơn khiếu nại gửi TAND Tối cao đề nghị Giám đốc thẩm. Tuy nhiên, đã mấy năm trôi qua, bà Thạt “gõ cửa” khắp nơi, nhưng mới nhận được câu trả lời của Tòa: “Qua nghiên cứu hồ sơ, thấy bản án phúc thẩm của tòa là có căn cứ và đúng pháp luật”.

Người mẹ của bị hại Đỗ Ngọc Tú vẫn chưa dừng bước. Nỗi đau về cái chết oan ức của một người con; sự bất công của Bản án đã thôi thúc bà quyết đi tìm ánh sáng lẽ phải. Bà lại viết đơn, lại gõ cửa khắp chốn cung đình, lại tìm đến những nơi có khả năng đưa lại tia hy vọng nhỏ nhoi: Công lý, sự thật và lẽ phải trước cái chết của con bà!

Với nhận thức của một người mẹ là quân nhân nghỉ hưu, bằng tất cả những gì có trong tay, bà Nguyễn Thị Thạt lý lẽ: Vụ án có quá nhiều khuất tất. Từ khâu điều tra, đến truy tố và xét xử. Bà cho biết: Tú, Nam và Hùng quen biết nhau từ trước. Nam lớn hơn Tú và Hùng gần cả chục tuổi nên lâu nay không có chuyện Tú và Hùng thiếu lễ độ với Nam. Tuy nhiên, sự kiện chiều hôm đó như giọt nước tràn ly. Tú có hắt ly bia vào mặt Nam. Vậy là xảy ra chuyện lớn. Lúc ở trong quán còn có mấy người làm chứng nên vẫn xác định được ai lỗi trước, ai lỗi sau; nhưng khi đuổi nhau ra đường chỉ còn lại ba người: Nam, Tú và Hùng. Tú thì đã chết, lời khai của Hùng và lời khai của Nam ai đúng ai sai trở nên khó xác định?

Lời khai của nhân chứng Ngô Quang Trung (chủ quán cà phê 55 Khúc Thừa Dụ) được ghi trong Cáo trạng của Viện Kiểm sát và nhắc lại trong Bản án Sơ thẩm số 34/2019/HS-ST ngày 24/6/2019 của TAND tỉnh Khánh Hòa: "Khoảng 16 giờ ngày 10/6/2018 khi đang uống cà phê (ở quán của anh) tại 55 Khúc Thừa Dụ, Nha Trang thì thấy một thanh niên mặc áo màu xanh đậm và một thanh niên mặc áo màu xanh da trời đuổi đánh một người mặc áo caro. Người bị đuổi đánh chạy vào quán của anh sau đó chạy ra đoạn đường ngã tư Khúc Thừa Dụ...". Như vậy, thêm nhân chứng chứng minh rõ ràng Tú là người bị đuổi nên chạy trước. Từ đó có căn cứ để khẳng định Nam là người đuổi Tú, còn Hùng đuổi theo 2 người để can ngăn, như Hùng khai tại tòa Phúc thẩm.

Trong lúc đó nhân chứng V.X.H khai với Cơ quan điều tra rằng: “Tôi đang ngồi trong quán cà phê Mùa Xuân thì thấy một thanh niên mặc quần sọc đỏ, áo thun trắng bị hai thanh niên đuổi theo từ nhà số 59 Khúc Thừa Dụ đến ngã tư Khúc Thừa Dụ - Phùng Hưng”. Thế nhưng sau này có lần chúng tôi hỏi thì ông V.X.H trả lời: “Anh mặc áo caro xanh, trắng chạy trước".

Tại Bút lục 75, lúc 7 giờ 45 phút ngày 11/6/2018, Trương Hoàng Nam khai: “Tôi (Nam) rút trong người ra con dao xếp mang sẵn, cầm cán dao bằng tay phải, tay trái kéo lưỡi dao ra rồi đâm vào người Tú nhiều nhát”. Lời khai này phù hợp với các vết thương trên người Tú, đã được xác định tại Biên bản khám nghiệm tử thi ngày 15/6/2018; trong đó có những vết thương rất đáng chú ý “Chân tóc gáy trái thủng da kích thước 0,2 x 0,1 cm; cổ trái xước da kích thước 4 cm x 0,1 cm…”. Như vậy, nghĩa là tư thế người cầm dao đâm là ở thế đứng, chứ không phải ngồi; đâm từ phía sau lên phía trước, vì như vậy mới có khả năng gây ra các vết thương ở cổ và sau gáy. Thêm nữa, nếu Nam ngã ngồi thì việc cùng một lúc đâm hai người, một chết, một bị thương 37% là không thể!

Thế nhưng khi ra tòa, bị cáo Trương Hoàng Nam đã thay đổi lời khai, cho rằng: “Nam cầm dao đâm Tú ở tư thế ngã ngồi hướng đối diện”. Nếu vậy thì nhất định không thể có các vết thương sau gáy! Vậy mà không hiểu nổi vì sao Tòa vẫn chấp nhận (!).

2-1666492098.jpg
Con dao Trương Hoàng Nam dùng để gây án

Tại phiên tòa Phúc thẩm Trần Văn Hùng khai: “…Tú bỏ chạy thì Trương Hoàng Nam đuổi theo túm cổ áo Tú kéo lại và đâm Tú nhiều nhát”… Nhưng thật đáng tiếc, lời khai quan trọng như vậy mà HĐXX đã không cho Hùng khai tiếp mà lại cho rằng: “Trong quá trình điều tra Trần Văn Hùng không khai, nay mới khai, nên không có cơ sở để xem xét…”. Lời khai này thực sự rất quan trọng, giúp định rõ tội danh kẻ thủ ác, nếu HĐXX "không có cơ sở để xem xét" thì cần thiết phải chuyển trả Cơ quan điều tra xem xét lại, chứ không thể bỏ qua, để ban hành 1 bản án có nguy cơ trái với sự thật!

Bản thân Trương Hoàng Nam khai: Trong quá trình xô xát tại quán bia 59 Khúc Thừa Dụ thì Tú có lấy ly bia đánh Nam vào mặt gây thương tích, nhưng nay Tú đã chết và vết thương của Nam đã lành nên Nam không trưng cầu giám định. Về lời khai này của Nam, bà Nguyễn Thị Thạt khẳng định: “Vết thương trên mặt của Nam đã có từ lâu, vết thương ấy lớn, để lại vết sẹo to, đã ra da từ lâu, da sẹo đã bóng lộn, chứ không phải do Tú mới gây ra”.

Đặc biệt tại Tòa sơ thẩm, Trương Hoàng Nam khai: “Ngày 10/6/2018 bị cáo (Nam) mặc áo caro trắng xanh, quần đùi đỏ đến quán nhậu 59 Khúc Thừa Dụ để uống bia”. Lời khai này đã được ghi vào Bản án của Tòa sơ thẩm. Trong lúc đó, theo bà Nguyễn Thị Thạt, thì chiếc áo caro trắng xanh, tang vật của vụ án là áo của Đỗ Ngọc Tú, chính bà Thạt mua cho con cách khi xảy ra vụ án vài tuần. Khi nhận được tin con bị đâm, bà đến Bệnh viện Tâm Trí ở phường Phước Long thì Tú đã chết. Bà ôm con đang mặc chiếc áo đó. Sau khi chuyển qua Bệnh viện 87 ở phường Lộc Thọ, khám nghiệm tử thi xong, chính bà giao tang vật vụ án là chiếc áo caro xanh, trắng cho một cán bộ Công an. Vậy Trương Hoàng Nam khai tại tòa là “bị cáo mặc chiếc áo caro xanh trắng với mục đích gì? Phải chăng để hợp thức việc ai chạy trước, ai chạy sau, ai đuổi ai trên đường phố mà một số người dân đã nhìn thấy, cùng với lời khai của Trần Văn Hùng rằng “… Tú bỏ chạy thì Trương Hoàng Nam đuổi theo túm cổ áo Tú kéo lại và đâm Tú nhiều nhát”… đã xác định.

3-1666492132.png
Trương Hoàng Nam (ảnh trái) với vết sẹo to, dài ở mép má trái, đã láng bóng, căng da không ai có thể cho rằng vết thương ấy do Đỗ Ngọc Tú dùng ghế đánh mà có!. Bên cạnh là Trần Văn Hùng, bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng.

Tình tiết người mặc chiếc áo caro trắng, xanh là cực kỳ quan trọng. Nó sẽ làm thay đổi bản chất vụ án. Cái áo đó của ai? Của Tú hay của Nam? Tại sao từ khâu điều tra, viết cáo trạng để truy tố và mở phiên tòa xét xử, dù dưới góc độ nhận thức nào hẳn đều thấy đầy rẫy mâu thuẫn, tràn ngập sự khuất tất. Vậy mà không cơ quan nào, không cán bộ nào cho dừng vụ án, trả hồ sơ, điều tra bổ sung, xem xét làm rõ mà vẫn đưa ra xét xử, vẫn tuyên án? Hành vi “Giết người” và “Giết người do phòng vệ quá giới hạn” là hoàn toàn khác nhau. Tại sao HĐXX tòa sơ thẩm không cho làm rõ các lời khai còn có sự mâu thuẫn, khác nhau, từ đó xem xét lại thực chất vụ án.

Cái áo caro trắng xanh, mấu chốt của vụ án. Trong quá trình điều tra cơ quan điều tra không làm rõ đó là áo của ai. Khi Viện Kiểm sát ban hành Cáo trạng, cũng qua loa xuôi chiều theo Kết luận. Đến khi Tòa sơ thẩm thay đổi tội danh, mặc dù thấy điều bất hợp lý rất nghiêm trọng nhưng Viện cũng kháng nghị yếu ớt, không quyết tâm đi đến cùng, tạo cơ hội cho Thẩm phán Bùi Thị Nghĩa, đưa ra một bản án thay đổi tội danh, tha bổng cho kẻ giết người một cách ngoạn mục. Điều kỳ lạ là tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX với ba vị thẩm phán của Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng, nhưng tại sao vẫn phớt lờ lời khai của Trần Văn Hùng, rằng: “… Tú bỏ chạy thì Trương Hoàng Nam đuổi theo, túm cổ áo Tú lại và đâm nhiều nhát…”; vẫn bỏ qua thực chất các vết thương trên người Tú là do Nam đâm ngồi hay đâm đứng; vẫn không có lời giải thích thỏa đáng tại sao khi Nam ngã ngồi rồi mà vẫn đâm chết một người và đâm bị thương nặng một người khác?

4-1666492655.jpg
Cái áo caro trắng xanh, đầy vết máu đã khô, tang vật quan trọng của vụ án được bà Nguyễn Thị Thạt kiểm chứng lại lần cuối trước khi giao cho Công an tỉnh Khánh Hòa.

Bà Nguyễn Thị Thạt đã phải đội đơn lên Tòa và Viện Tối cao, cả Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội và các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước để kêu oan cho con. Nhưng đúng là chuột chạy cùng sao. Mấy năm nay đâu đâu các cơ quan thẩm quyền cũng trả lời cho qua chuyện: “Qua nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ xét thấy bản án của tòa là có căn cứ, đúng pháp luật”. Chưa thấy cơ quan nào đặt vấn đề xác minh làm rõ chi tiết chiếc áo caro là của ai? Của Tú hay của Nam? Nếu xác định được, thì bản chất vụ án sẽ được phơi bày và như thế kẻ giết người sẽ bị trừng trị đúng tội.

Năm 2021, chúng tôi đã có bài điều tra 3 kỳ đăng trên báo Ngaymoioline, phân tích, chứng minh khá kỹ vụ án này và với trách nghiệm của người cầm bút đã kiến nghị Giám đốc thẩm, hủy cả án sơ thẩm, phúc thẩm, điều tra lại để bảo vệ công lý, lẽ phải, pháp luật và đạo lý. Thế nhưng, không một cơ quan tố tụng nào động lòng trắc ẩn.

Lần này, thay cho trái tim của người mẹ, chúng tôi kiến nghị Viện Kiếm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao hãy bỏ chút thời gian đến tận nơi xảy ra vụ án, lật lại hồ sơ, xem còn có chỗ nào oan khiên nữa để làm rõ, giải mã, giải thoát cho trái tim người mẹ tan vỡ vì đau đớn mất con, đồng thời bảo vệ công lý, giữ vững niềm tin vào pháp luật cho người dân./.