Theo BQL Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, trong Quy hoạch hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế (KKT) Hòn La được định hướng sẽ là khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình; và là mô hình KKT tổng hợp bao gồm các khu công nghiệp gắn với cảng biển Hòn La, với các ngành dịch vụ logistics, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, các khu du lịch kinh tế cảng, khu phi thuế quan cảng biển.
Đồng thời, KKT Hòn La cũng sẽ được gắn với không gian phát triển chung KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh); với tuyến Hành lang kinh tế đường 12A; Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng; và với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, đặc biệt là các nước Lào, Thái Lan và Myanmar.
Cũng theo BQL Khu kinh tế Quảng Bình, tại KKT Hòn La, tỉnh Quảng Bình tập trung phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện thông qua việc đảm bảo tiến độ các dự án như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đưa vào vận hành tổ máy số 1 năm 2023, tổ máy số 2 năm 2024), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (đưa vào vận hành tổ máy số 1 năm 2027 và tổ máy số 2 năm 2028) cùng các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch điện VIII được phê duyệt.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đánh giá, hiện nay Quảng Bình đang nằm trong khu vực có những “chuyển động” mạnh về công nghiệp như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An. Đây là những điều kiện cơ sở rất thuận lợi cho sự phát triển của KKT Hòn La.
“Vùng Bắc Trung bộ hiện có nhiều dự án động lực như Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh), kết nối rất thuận lợi với các khu vực của tỉnh Quảng Bình. Về bản chất KKT Vũng Áng và KKT Hòn La nằm sát cạnh nhau, cách nhau bởi Mũi Độc nên hoàn toàn có thể tạo thành một không gian kinh tế chung để phát triển, lấy nòng cốt là nhà máy Formosa và các nhà máy mới hiện nay đang được xây dựng như nhà máy sản xuất pin năng lượng của Vingroup. Quảng Bình và KKT Hòn La sẽ được thừa hưởng rất nhiều không chỉ từ hoạt động đầu tư tại chỗ mà còn từ KKT Vũng Áng Hà Tĩnh.
Mà ngược lại, Quảng Bình cũng sẽ hỗ trợ ngược lại cho Hà Tĩnh về cơ sở hạ tầng. Ví dụ, đối với việc đi lại của các cá nhân, doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng đến 2 đầu đất nước, nếu di chuyển vào sân bay Đồng Hới thì chỉ cách 70km, còn di chuyển ra sân bay Vinh thì hơn 120km. Đấy cũng là một trong các điểm mạnh hạ tầng của Quảng Bình, vừa là đường bộ, vừa là hạ tầng đường hàng không”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng phân tích.
Được biết, tính đến nay, KKT Hòn La đã thu hút được 68 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 106.900 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm mang tính động lực như Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, Kho xăng dầu DKC Hòn La, Khu du lịch nghỉ dưỡng Sun Spa Vũng Chùa - Đảo Yến...
Dự kiến, để hoàn thành mục tiêu trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình, tổng mức đầu tư cho toàn bộ KKT Hòn La đến năm 2030 cần khoảng 156.661 tỷ đồng, bao gồm 4.400 tỷ đồng vốn ngân sách và 152.261 tỷ đồng vốn khác. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước sẽ được ưu tiên đầu tư cho các dự án hạ tầng như san nền, thoát nước mặt khoảng 1.500 tỷ đồng; giao thông 2.000 tỷ đồng.
Theo Ngọc Tân - baodautu.vn