ds-1687762088.jpg
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ảnh: TL

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính), tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua diễn biến phức tạp trên các địa bàn với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển, đặc biệt là tuyến hàng không. Tuyến hàng không là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đồng thời chỉ đạo các cục hải quan địa phương triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn an ninh xã hội và phòng chống tội phạm đồng thời đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị địa phương đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong đó, thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt, chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động nắm vững, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ; đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các đơn vị làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại… xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

Tập trung đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, đánh giá thực trạng, nhận diện, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm (nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng) về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời tham mưu đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, điều tra xác minh. Các đơn vị cũng cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Một nhiệm vụ nữa được lưu ý là các đơn vị chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh công tác phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân. Song hành với đó, các lực lượng cần làm tốt công tác nghiệp vụ, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, quá trình chống buôn lậu cần tập trung vào các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, dược liệu, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chia sẻ thông tin, phối hợp lực lượng, cơ quan chức năng liên quan giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa…

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng yêu cầu các lực lượng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu

Các đơn vị thông tin cho cơ quan thông tấn báo chí phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, các đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…

Theo Đông Mai - thoibaotaichinhvietnam.vn