Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 20/6/2023, Công an tỉnh Đắk Nông đã đấu tranh, triệt phá một nhóm đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi tiền từ thiện trên không gian mạng, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Hoàng Công Trường, sinh năm 1986, trú tại phường 10, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

tt-1687316364.jpg
Công an thành phố Gia Nghĩa bắt giữ đối tượng Hoàng Công Trường. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Kêu gọi tiền từ thiện trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo kết quả điều tra, khoảng đầu năm 2021, Hoàng Công Trường nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua mạng xã hội Facebook bằng hình thức kêu gọi tiền từ thiện.

Trường lên mạng internet tìm kiếm thông tin và tải các hình ảnh có hoàn cảnh thương tâm, cần sự giúp đỡ, sau đó đăng lên mạng xã hội Facebook. Trường tự nhận những người cần giúp đỡ là người thân ruột thịt của mình, với những câu chuyện bịa đặt về hoàn cảnh hết sức đáng thương, rồi kêu gọi từ thiện và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để trục lợi.

Điển hình như, Trường đã đăng hình ảnh bài viết kêu gọi giúp đỡ tiền điều trị cho cháu Hoàng Duy Q. (sinh năm 2015, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) nhập viện ngày 29/1/2023, đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, kèm theo một số giấy tờ liên quan.

Sau khi Trường đăng bài viết cùng hình ảnh trên nhiều trang Facebook cá nhân đã có nhiều người chuyển tiền ủng hộ cho Trường qua các tài khoản ngân hàng và bị đối tượng chiếm đoạt.

23-1687316397.PNG
Đối tượng Hoàng Công Trường tại cơ quan điều tra. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Gần 6.000 người có tấm lòng hảo tâm bị "sập bẫy"

Với thủ đoạn đó, từ đầu năm 2021 đến ngày 13/6/2023, đã có 5.887 người có tấm lòng hảo tâm ở nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước "sập bẫy" và chuyển cho Trường hơn 5,6 tỷ đồng thông qua nhiều tài khoản ngân hàng ủng hộ từ thiện, tiền hỗ trợ mai táng và bị Trường chiếm đoạt. Người chuyển nhiều nhất là hơn 5 triệu đồng và ít nhất là 20.000 đồng.

m-1687316424.PNG
Công an thành phố Gia Nghĩa xác minh các bài viết kêu gọi từ thiện do đối tượng Hoàng Công Trường đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an
nnn-1687316451.PNG
Một trường hợp kêu gọi tiền từ thiện ở tỉnh Đắk Nông được Trường đăng trên mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông tiếp tục điều tra, mở rộng. Ai từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự xin liên hệ Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Gia Nghĩa để được hướng dẫn, giải quyết.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ thông tin khi có ý định chuyển tiền với mục đích từ thiện. Khi cần thiết, có thể liên hệ với chính quyền địa phương, với bệnh viện hoặc các tổ chức, đoàn thể liên quan để xác minh. Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Điều 174 – Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Minh Châu - congdankhuyenhoc.vn