Vòng lặp lừa đảo
Đối tượng “con mồi” mà kẻ gian hướng đến là những nạn nhân của các vụ lừa đảo mạng trước đó. Đánh trúng tâm lí chung của nạn nhân là muốn lấy lại tiền nhanh chóng, các đối tượng đã giả mạo luật sư để hỗ trợ thu hồi sau đó dùng nhiều phương thức khác nhau để moi tiền nạn nhân.
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo mới này. Theo đó, các đối tượng mạo danh luật sư sẽ giả vờ kết nối với lực lượng an ninh mạng. Sau đó thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.
Để thu hồi số tiền đã mất, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỷ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa về. Khi thấy "con mồi" đã mắc bẫy, nạp tiền vào thì các đối tượng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi. Khi nạn nhân hỏi thì “luật sư giả” nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về...
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất cũng như quy mô của sự việc. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cũng không còn là cá nhân đơn lẻ nữa mà được phối hợp tổ chức chặt chẽ, tinh vi cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng đa dạng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
“Các đối tượng giả danh luật sư để tạo niềm tin cho nạn nhân. Bằng thủ đoạn hứa hẹn sẽ can thiệp hệ thống, hack vào tài khoản lừa đảo vào các khung giờ nhất định. Yêu cầu nạn nhân phải nộp trước một khoản tiền khoảng 30% số tiền đã bị mất trước đó. Sau đó, các đối tượng lấy rất nhiều lý do, thậm chí chặn liên hệ để chiếm đoạt tiền của nạn nhân” - Luật sư Hùng nói và nhấn mạnh, hành vi này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của các luật sư.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Hùng còn cho biết, bản thân ông và Văn phòng Luật sư của ông cũng từng bị giả mạo trên Facebook và Zalo. Chúng chạy cả quảng cáo, mua lượt theo dõi nên lượng tương tác rất đông đảo. Thậm chí, thách thức cả tài khoản chính. Dù đã nhiều lần báo cáo giả mạo tới Facebook nhưng cứ tài khoản này mất thì lại có tài khoản giả mạo khác mọc lên.
Việc các đối tượng dùng những hành vi nhằm tác động vào tinh thần hoảng loạn của người khác hoặc dùng những thủ đoạn gian dối nêu trên nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là có dấu hiệu của vi phạm. Theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ phải xét trên bản chất, mức độ và hậu quả của hành vi. Thậm chí, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 170, Điều 174 Bộ luật Hình sự với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến mức phạt cao nhất là chung thân.
Tuy nhiên, luật sư Hùng cũng cho rằng quá trình điều tra các loại tội phạm này cơ quan chức năng gặp rất nhiều hạn chế và trở ngại, đặc biệt là trong giai đoạn thu thập và đánh giá chứng cứ bởi thông thường các chứng cứ ở đây đều được thể hiện dưới dạng thông tin điện tử, lại có máy chủ đặt ở nước ngoài. Việc phát hiện tội phạm cũng thường dựa trên lời trình báo, lời khai của các nạn nhân đã từng bị lừa tiền chứ ít được phát hiện thông qua hình thức bắt quả tang nên việc xác định đối tượng phạm tội càng trở nên khó kiểm soát.
Trong thời gian ngắn sau khi thực hiện hành vi xong, các đối tượng sẽ nhanh chóng xóa bỏ toàn bộ thông tin điện tử để che giấu hành vi phạm tội. Các đối tượng thường sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác, mạo danh người khác liên hệ với ngân hàng, các công ty dịch vụ viễn thông để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao điện thoại di động sử dụng vào việc phạm tội.
Việc trích xuất camera tại các ngân hàng hoặc cây rút tiền chỉ thu được hình ảnh bịt kín mặt, đeo kính đen nên rất khó nhận diện. Các máy chủ thường được đặt ở nước ngoài nên việc điều tra, xác minh của cơ quan chức năng thường gặp rất nhiều trở ngại. Cơ quan chức năng mặc dù đã vào cuộc điều tra, xử phạt nhưng rất khó để kiểm soát hay ngăn chặn triệt để được tình trạng nêu trên bởi các đối tượng rất manh động, thường sử dụng những thông tin giả mạo, ẩn danh và luôn “cập nhật” những hình thức lừa đảo mới. Do đó, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kì đối tượng nào khi chưa có thông tin cụ thể.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, với các thủ đoạn lừa đảo trên mạng rất tinh vi, khó xác định đối tượng, rất khó có thể can thiệp, hack vào hệ thống ngân hàng do được bảo mật rất kĩ, các đối tượng lừa đảo xong đều rút tiền, tẩu tán tài sản. Cách duy nhất và tốt nhất người dân có thể làm là trình báo sự việc đến cơ quan công an nơi cư trú và cảnh báo cho mọi người biết. Nếu cần thiết có thể đến trực tiếp trụ sở văn phòng luật sư để được tư vấn, hỗ trợ, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tránh tin vào thông tin quảng cáo trên mạng xã hội để tiếp tục rơi vào bẫy lừa đảo, tiền mất tật mang.
Theo Hoàng Chiến - daidoanket.vn