Đền Cờn là tên gọi chung cho cả hai ngôi đền là đền Cờn trong và đền Cờn ngoài, là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ, đứng đầu 4 đền nổi tiếng (nhất đền Cờn, nhì Quả Sơn,tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng) không chỉ linh thiêng mà còn có cảnh quan xinh đẹp, mang đậm dấu vết lịch sử và có một sự tích kỳ bí.
Theo sử sách, ngôi đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần, lúc đầu làm bằng tranh tre nứa lá nhỏ bé. Đền được dựng lên để thờ tứ vị thánh nương là 3 mẹ con công chúa nước Nam Tống là: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Đền còn thờ cả các vị thần là vua Tống Đế Bính, các quan Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu… Đền còn thờ một khúc gỗ thiêng và vỏ hạt lúa.
Từ năm 1312, ngay sau năm Hoàng đế Trần Anh Tông, thân làm tướng đem quân Nam chinh đánh thắng Chiêm Thành. Khi trở về Trần Anh Tông sắc phong lập đền Cần Hải, tên Nôm ngày xưa là Càn, đến đời Lê - Trịnh, vì phạm húy, đổi là Cờn. Từ đó gọi tên cửa sông là cửa Cờn.
Đến thời vua Lê Thánh Tông, 1472, đền tiếp tục được xây dựng thêm 2 tòa khiến di tích trở nên uy nghi soi bóng bên bờ Mai Giang. Theo thư tịch cổ thì sang thời Lê, 1472 theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông, dân làng Phương Cần dựng thêm một ngôi đền nữa gọi là đền Cờn ngoài bên bở biển, cách đền Cờn trong khoảng 1km. Đền thờ các vị thần như: Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu... Các vị thần này trước phối thờ ở đền Cờn trong, song do quan niệm Nho giáo “nam nữ bất đồng cung” nên đến thời Lê đền thờ được xây riêng.
Đền Cờn ngoài được tôn tạo quy mô với 3 tòa trên ngọn núi Thằn Lằn, ngay sát cửa biển, phong cảnh vừa cổ kính, phóng khoáng và thơ mộng. Đền được dựng trên khu đất cao gọi là gò Diệc (hay cồn Diệc). Trước mặt đền là sông Mai (còn gọi là sông Hoàng Mai hay Mai Giang) uốn khúc thông ra cửa biển lớn nhất của Quỳnh Lưu. Đền có kiến trúc cổ kính và nằm trên mảnh đất có phong thủy đẹp. Phía trước nhìn ra sông Mai Giang, phía sau có hai đồi nhỏ nhô cao, giăng dài ra hai bên như cánh phượng. Tại hai đồi có hai giếng nước, tương truyền đây là mắt phượng. Bên kia dòng sông Mai Giang phía trước đền có núi Voi, núi Xước và sau lưng đền là biển. Đền Cờn Trong được xây dựng vào thời Trần (1235), phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy, di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn.
Sang thế kỷ 18, vua Quang Trung đã ban sắc phong với mỹ tự “Hàm hoằng quảngđại” (tức là công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt”(nghĩa là nêu gương tiếtliệt cho muôn đời).
Theo lối nhìn phong thủy, đền Cờn dựng trên thế đầu chim Phượng Hoàng, cánh phượng là các bãi de (sác) trước đây, còn hai mắt phượng là các giếng Đò và giếng Đình.
Trước đây trong đền còn thờ hai vật thiêng là khúc gỗ và vỏ hạt lúa. Hai linh vật này là biểu tượng của cư dân làm nghề đánh cá và nghề nông. Đền Ngoài nằm trên dải núi Thằn Lằn ngay tại nơi cao nhất của dải núi. Theo trí tưởng tượng của dân gian trong vùng, vị trí của đền là đầu của một con thằn lằn, phần thân của nó nằm vắt từ phía đông sang phía bắc làng, ngay sát mép biển. Đây là một giải núi thấp, dài gần 1km với độ cao trên 100m so với mực nước biển. Nơi đây biển mênh mông sóng vỗ hòa quyện với mây trời, cảnh quan thiên nhiên lay động lòng người, khiến danh hào Nguyễn Du khi đến viếng đền đã khắc họa thành thơ:
Mặt nước mênh mông bể lẫn trời
Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi
Bến phú chiều tà cây man mác
Cửa bể thu dần khói tả tơi...
Đền Ngoài được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14 (sau đền Trong), được tôn tạo và hoàn chỉnh dưới thời Tự Đức (1848-1883). Ngôi đền được kết cấu mặt bằng hình chữ đinh, gồm ba gian nhỏ và một hậu cung thờ. Mái đền thấp, lòng đền hẹp, trang trí nội thất rất trang nghiêm; đền còn lưu giữ được một đôi tượng đá, một đôi rồng đá chạy bám theo thành bậc tam cấp phía trong nghi môn, hai tượng quan hậu, hai con nghê đá, hai tượng Chăm (tượng phỗng quỳ dâng rượu), hai tượng hổ đá, một đôi voi đá nằm chầu ngay sau nghi môn và một vài cột đá để cắm tàn, lọng và cờ.
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép về sự kiện này như sau: “Các Thánhnương là ba mẹ con Công chúa nước Nam Tống là Thái hậu Dương Nguyệt Quả, haiCông chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Năm Thiệu Bảothứ nhất (1229), quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, Trương Thế Kiệt, LụcTú Phu, trung thần nhà Nam Tống đưa vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sỹ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn, bị quân Nguyên truy sát gấp rút lại gặp sóng to gió lớn, vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông”.
Theo ông Trương Đắc Thành (Phó GĐ Bảo tàng Nghệ An), người đã có nhiều nghiên cứu về hai ngôi đền thì tục "Chạy ói" (lễ hội chính thức của đền Cờn) ngày xưa được tổ chức từ ngày 15 đến 21 tháng giêng.
Đến nay, tục "chạy Ói" vẫn còn vì đó là phần lễ chính, không thể thiếu trong lễ hội Đền Cờn, tuy nhiên nó vẫn chưa được khôi phục lại nguyên vẹn đúng tinh thần xưa.
Đền Cờn gắn liền với những mẩu chuyện huyền thoại linh thiêng lưu truyền trong nhân dân và lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, đang ngày càng thu hút du khách thập phương về tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt tín ngưỡng. Với những giá trị đó to lớn đó, ngày 29 – 01 - 1993 Bộ Văn hóa - Thông Tin ra quyết định số: 68/QĐ - BVHTT công nhận Đền Cờn là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Theo Ban quản lý (BQL) Đền thì hiện nay đền ngoài đã được các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tài trợ nên đã xây dựng lại ba ngôi nhà khang trang, sạch đẹp bằng gỗ Lim, đền trong cũng được BQL đền xây dựng, trùng tu, tôn tạo lại khang trang sạch đẹp, uy nghiêm.
Mặc dù, từ năm 2019 đến nay do dịch bệnh phức tạp đền không tổ chức các lễ hội như thường niên mà chỉ tế lễ theo phong tục. Nhưng có lẽ đây là ngôi đền rất linh thiêng nên hàng ngày, hàng tháng, nhất là vào dịp cuối, đầu năm du khách thập phương vẫn hội tụ về đây để dưng hương cầu phúc, cầu tài, cầu lộc vì vậy BQL đền vẫn phải bố trí lực lượng để đảm bảo an ninh, bố trí một số thầy để phục vụ du khách, nhất là về công tác phòng chống dịch Covid-19 nên đền trong và đền ngoài đều được bảo đảm về an ninh, sạch về môi trường, an toàn về phòng chống cháy nổ, đảm bảo về công tác phòng chống dịch nhằm bảo vệ cho du khách thập phương khi về tham quan, dâng hương tại điểm tâm linh này đều được bình an và đáng nhớ.