Ba chiến sĩ trong quá trình di chuyển để khống chế các đối tượng chống đối đã bị tấn công bằng phóng lợn và xăng, dẫn đến hi sinh.
Nhiều thông tin bị lộ, các đối tượng đã chuẩn bị
Trong bản kết luận điều tra mới đây do Công an Hà Nội ban hành đã đề nghị truy tố 29 người trong vụ Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 9/1/2020. Trong đó, có 25 bị can bị truy tố tội Giết người, gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
Đây là nhóm người đã trực tiếp dùng vũ lực chống đối lực lượng chức năng, hậu quả khiến 3 chiến sĩ hi sinh gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh (sinh năm 1972) Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Đại úy Phạm Công Huy (sinh năm 1993) cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 3 - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội); Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (sinh năm 1992), Tiểu đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Theo kết luận điều tra, ngày 2/1/2020 hình ảnh về các chiến sĩ công an tập luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ ở Đồng Tâm đã bị lộ ra ngoài. Nguyễn Việt Anh (SN 1990, Hòa Thạch, Quốc Oai - em họ của bị can Lê Đình Quang) gửi video về hình ảnh các chiến sĩ tập luyện cho Lê Đình Quang qua Zalo. Quang biết đây là tài liệu “mật” nên đã đưa video cho Lê Đình Công xem rồi xóa tài khoản Zalo để tránh bị phát hiện.
Sau khi biết việc này, nhóm chủ chốt chống đối gồm Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển… tổ chức họp bàn cách đối phó. Công tuyên bố sẽ “giết 200 người” và yêu cầu cả phụ nữ cũng phải tham gia theo lệnh của Công. Toàn bộ vũ khí được Công yêu cầu tập trung tại nhà Lê Đình Kình để chống lại lực lượng chức năng.
Ngày 8/1/2020, thông tin về việc lực lượng công an tiến vào Đồng Tâm tiếp tục bị lộ. Nguyễn Văn Thắng (SN 1954, thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) thông báo cho Lê Đình Công rằng tối 8/1, lực lượng công an sẽ vào thôn Hoành. Do đó, các đối tượng đã có thời gian chuẩn bị vũ khí và nhiều đối tượng còn ngủ lại nhà của Lê Đình Kình để sẵn sàng chống đối.
Bị can Lê Đình Công
Diễn biến khiến 3 chiến sĩ hi sinh
Kết quả, rạng sáng 9/1 khi lực lượng chức năng tiến vào thôn Hoành thì các đối tượng đã chống đối rất quyết liệt vì có chuẩn bị trước. Nhiều loại bom xăng, lựu đạn, gạch đá được ném xuống lực lượng công an.
Khi thuyết phục không thành công, tổ công tác gồm 3 chiến sĩ: Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân được chỉ đạo tiếp cận từ tầng 1 nhà Lê Đình Hợi để tiến sang tầng 2 nhà Lê Đình Chức khống chế các đối tượng. Khi 3 chiến sĩ di chuyển từ cửa sổ tầng 2 nhà Lê Đình Hợi định tiếp cận mái nhà Chức thì bị các đối tượng dùng tuýp sắt có gắn phóng lợn để tấn công, đồng thời ném nhiều gạch đá khiến 3 chiến sĩ ngã xuống.
3 chiến sĩ ngã từ trên cao xuống một chiếc hố sâu 4m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức và bị thương. Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh lấy một can xăng khoảng 5 lít đổ ra chậu. Rồi hai đối tượng đạp chậu xuống hố, châm lửa. Hai đối tượng đã nhiều lần đổ thêm xăng xuống hố, dẫn đến sự hi sinh của ba đồng chí Thịnh, Huy và Quân.
Những vũ khí được các đối tượng chuẩn bị để chống đối.
Các đối tượng tiếp tục chống đối dữ dội. Lực lượng chức năng sử dụng lựu đạn khói và chó nghiệp vụ để dần vây chặt vòng vây. Lượng vũ khí của lực lượng chống đối hết dần và nhiều đối tượng còn không biết sử dụng các loại vũ khí như lựu đạn.
Khi vòng vây khép chặt, các đối tượng chủ chốt còn lại tập trung ở nhà Lê Đình Kình. Lực lượng chức năng sử dụng lựu đạn khói ném vào nhà. Lê Đình Kình cầm một quả lựu đạn nói lớn: “Bây giờ xông vào nhà là tao ném lựu đạn cho chết hết”. Sau nhiều lần thuyết phục không thành công, để tránh hi sinh cho lực lượng chức năng, các chiến sĩ buộc phải bắn tiêu diệt Lê Đình Kình. Khi tử vong, Lê Đình Kình vẫn cầm lựu đạn trên tay.
Trước sự hi sinh dũng cảm của 3 đồng chí để bảo vệ kỷ cương phép nước, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”; Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thăng cấp bậc hàm vượt cấp cho ba chiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân.