Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi. Năm lên mười, được thầy giáo Võ Trung Thành, một cán bộ Việt Minh giác ngộ, giao nhiệm vụ làm liên lạc cho các chiến sĩ du kích Ba Tơ đấu tranh với bọn sĩ quan Nhật, đồn trú tại Sa Huỳnh để Nhân dân huyện Đức Phổ vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng ở quê tôi ra đời, muôn người như một, lòng hướng về Thủ đô Hà Nội, lắng nghe lời hiệu triệu thiêng liêng của Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khí thế sục sôi, thôi thúc lớp trẻ chúng tôi nô nức lên đường xông ra các mặt trận, từ mặt trận chống giặc đói, giặc dốt để xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đến mặt trận vũ trang sau ngày giặc Pháp quay lại xâm lược nước ta, tháng 12/1946. Đặc biệt, ngày 28/3/1951, lớp trẻ chúng tôi được đón nhận 4 câu thơ lịch sử Bác Hồ tặng và dạy thanh niên xung phong (TNXP) tại Chiến khu Việt Bắc: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.
Từ đây, 4 tiếng "Thanh niên xung phong" và khí phách "Quyết chí ắt làm nên" mãi mãi vang vọng suốt cuộc đời tôi. Lời thư Bác Hồ dạy đã nâng tầm giác ngộ cách mạng cho lớp trẻ chúng tôi vươn lên tuyến đầu chống giặc. Hơn 2.000 nam nữ tuổi 15 - 18, từ các vùng giải phóng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên nô nức lên đường gia nhập Tổng đội 204, Thanh niên xung phong Liên khu 5, phục vụ mặt trận Bắc Tây Nguyên, một chiến trường khốc liệt, chia lửa với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Với gần 1.000 ngày đêm ăn ngô, khoai sắn, củ mài thay cơm, dùng lá cây rừng thay thuốc chữa trị vết thương và căn bệnh sốt rét ác tính, mấy chục chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong khi đang làm nhiệm vụ. Nhưng con đường chiến lược băng qua hàng trăm đèo núi cao, sông suối sâu, dài 110km từ đồng bằng lên Tây Nguyên đã hoàn thành kịp ngày giờ chiến trường nổ súng. Con đường chiến lược hoàn thành, hàng triệu gùi hàng súng đạn, lương thực, thuốc men, trên vai các chiến sĩ trẻ ngày đêm trèo đèo, vượt thác, tiếp tế cho mặt trận, góp phần cùng Bộ đội tiêu diệt các đồn Man Đen, Man Bút, Dốc Ui, Đường 19 An Khê và giải phóng toàn bộ tỉnh Kon Tum.
Cùng lúc với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đại thắng, chiến dịch Bắc Tây Nguyên cũng thành công vang dội; 15 chiến sĩ TNXP hỏa tuyến được bình bầu chiến sĩ thi đua, trong đó có 3 chiến sĩ: Nguyễn Hứa, Nguyễn Tửu, Nguyễn Anh Liên được cử tham gia đoàn Đại biểu Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam, ra miền Bắc dự lễ mừng Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Sáng 1/1/1955, Quảng trường Ba Đình lịch sử rực rỡ cờ hoa, hàng chục vạn Nhân dân Thủ đô tham dự Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành, khi nhìn thấy Bác Hồ, Bác Tôn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,... đứng trên lễ đài đã đồng loạt hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm, muôn năm. Chiều tối cùng ngày, đoàn đại biểu miền Nam còn thêm một vinh dự lớn, được vào Phủ Chủ tịch dự bữa cơm thân mật, do Bác Hồ, Bác Tôn chiêu đãi. Bác Hồ đi đến từng bàn, ân cần thăm hỏi, động viên các đại biểu. Khi Bác nhìn thấy 3 chiến sĩ trẻ mặc quân phục TNXP, Bác âu yếm hỏi các cháu chiến đấu ở chiến trường nào, lập công xuất sắc đến đâu mà vinh dự được tặng thưởng cả Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động. Tôi đứng lên run run: Dạ thưa Bác, cả 3 chúng cháu đều ở Tổng đội TNXP 204, Liên khu 5, đều phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên, được bầu là chiến sĩ thi đua toàn Quân khu và được kết nạp sớm vào Đảng để kịp ra Hà Nội mừng Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ từ chiến khu trở về Thủ đô hôm nay ạ. Bác xúc động nhìn chúng tôi và âu yếm nói: Tốt, tốt. TNXP là một phẩm chất cao đẹp của thanh niên Việt Nam. Có tinh thần xung phong phục vụ Nhân dân, phụng sự cách mạng mới là thanh niên yêu nước, thanh niên tiên tiến. Khi còn giặc ngoại xâm thì xung phong xông ra tiền tuyến. Hết giặc ngoại xâm thì xung phong trên tuyến đầu các mặt trận xây dựng, phát triển, đổi mới đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên còn phải xung phong học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và tài năng để trở thành những công dân, cán bộ có phẩm chất cách mạng vừa hồng vừa chuyên, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân... Chúng tôi còn vô cùng vinh dự được Bác tặng Huy hiệu của Người và nói vui: Để Bác cháu ta cùng xung phong.
Được nghe những lời Bác dạy, cả 3 chúng tôi cùng nhau tâm nguyện suốt đời ghi nhớ và làm theo. Hai đồng chí Nguyễn Hứa, Nguyễn Tửu về sau tiếp tục là Chiến sĩ thi đua trên các mặt trận lao động, sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, rồi chiến đấu lập công xuất sắc và anh dũng hi sinh trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Đối với tôi, lời Bác dạy đã trở thành phương hướng và động lực thôi thúc suốt cả cuộc đời, và nhờ đó tôi đã phấn đấu hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ Dân cần, và Đảng, Nhà nước giao. Nhiệm vụ đầu tiên, tôi tình nguyện gia nhập Đoàn TNXP Trung ương do đồng chí Vũ Kỳ, Thư kí của Bác Hồ làm Đoàn trưởng, khẩn trương xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Quan, nối liền với các nước XHCN nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng hậu phương miền Bắc chuẩn bị phục vụ chiến trường miền Nam. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ Trưởng ban Cán sự Đoàn Thanh niên Lao động tuyến Đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do trình độ văn hóa có hạn. Tôi phải quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy, vừa làm vừa học trong 3 năm từ trình độ lớp 5 lên lớp 10, bổ túc văn hóa. Đồng thời ra sức học tập chính trị từ bậc cơ sở lên trung cấp và trước khi lên đường "đi B" tôi được học lớp lí luận cao cấp trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Trong thời gian từ 1956 đến 1962, tôi đã có ý thức chuẩn bị hậu phương để sẵn sàng lên đường trở vào miền Nam chống Mỹ cứu nước. Tôi xây dựng gia đình với một nữ TNXP nguyên là nữ sinh Hà Nội, trốn gia đình khai tăng 2 tuổi để được tham gia khôi phục đường sắt. Hai vợ chồng tôi quyết tâm giữ vững phẩm chất TNXP như 4 câu thơ Bác Hồ dạy, nên vợ tôi đã giữ vững lời nguyền: 10 năm ngày Bắc đêm Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "Đảm đang cả việc nước, việc nhà". Về phần tôi suốt 10 năm liên tục từ 1964 đến 1975, luôn có mặt ở những địa bàn gian lao, khốc liệt nhất của Chiến trường Khu 5 - Tây Nguyên. Với 3 năm nằm hầm bí mật, 3 lần bị thương, tôi vẫn không rời trận địa, không ra Bắc một ngày nào, bởi những lúc đó là lúc chiến trường đang cần tôi, đồng đội và Nhân dân cần tôi có mặt. Hơn nữa, những lúc này lòng tôi càng nhớ và càng thấm sâu "Tinh thần xung phong" Bác Hồ dạy, để quyết tâm giữ vững lời thề "Bao giờ miền Nam sạch bóng giặc Mỹ mới về hậu phương".
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, tôi mới được trở về Thủ đô Hà Nội thăm gia đình, vợ con và an dưỡng, điều trị các vết thương đang tái phát. Nhưng chưa được bao lâu, thì kẻ thù mới, đã dã tâm xâm phạm biên cương Tổ quốc ta. Với tinh thần xung phong và với trọng trách Trưởng ban Quân sự, Quốc phòng, An ninh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tôi xốc ba lô lên đường ra mặt trận biên giới phía Bắc rồi tiếp vào biên giới phía Nam. Khi bọn giặc tháo chạy ra khỏi nước ta, tôi trở về nhận nhiệm vụ mới tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Nhận nhiệm vụ mới nhưng vẫn với tinh thần "đánh giặc" chỉ có khác là giặc "nội xâm".
Hơn 20 năm công tác ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lúc nào tôi cũng nhớ lời chỉ bảo động viên của đồng chí Võ Chí Công (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5, người mà tôi có vinh dự được đồng chí đặc biệt quan tâm, lãnh đạo đối với lực lượng TNXP vũ trang Khu 5 chúng tôi, trong hơn 10 năm chống Mỹ cứu nước). Khi tôi được đồng chí giới thiệu về công tác ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương: "Công tác kiểm tra xây dựng chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay có rất nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng và có năng lực, trình độ nghiệp vụ thành thạo. Tuy nhiên, đối với cán bộ từ trong kháng chiến trở về, thì phẩm chất đạo đức cách mạng "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư" là cái gốc, là yếu tố quyết định hàng đầu". Nhờ đó, tôi đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương giao. Đến tuổi nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn được Bộ Chính trị tín nhiệm giữ lại công tác đến 70 tuổi.
Vừa nhận quyết định nghỉ hưu, thì tôi được đồng đội tín nhiệm cử làm Trưởng ban Vận động Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam rồi bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội 3 nhiệm kì và giới thiệu ứng cử bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XII. Hội Cựu TNXP ra đời đã nhanh chóng tập hợp hơn 50 vạn rồi lên 75 vạn cựu TNXP trong cả nước vào "ngôi nhà chung" có sứ mệnh làm nhân chứng lịch sử giúp Đảng, Nhà nước giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước và phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các thế hệ cha anh vào giai đoạn mới. Đồng thời giúp Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo giải quyết chính sách đối với người có công, đang còn tình trạng tồn đọng rất đau lòng do đặc thù của lịch sử để lại. Hội ra đời còn làm cho 75 vạn cựu TNXP vừa phát huy truyền thống, vừa vươn mình trở thành "Cựu nhưng không cũ, Cựu mà rất mới" như lời khen ngợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng còn xúc động "Tôi luôn coi TNXP như Bộ đội, vì trong phẩm chất TNXP có phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ". Hội Cựu TNXP còn vô cùng phấn khởi, tự hào được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chân tình "Tôi coi các đồng chí Cựu TNXP là đồng đội thân thiết của mình".
Đến hôm nay, đã hơn 90 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng nhưng lúc nào tôi cũng cảm nhận mình vẫn là Thanh niên xung phong. Tôi có vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng hơn 10 Huân chương cao quý, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì; Huân chương Thành đồng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba... Nhưng đối với tôi, vinh dự đặc biệt nhất, cao quý nhất là chiếc Huy hiệu Bác Hồ do Người tặng ngày 1/1/1955, tại Phủ Chủ tịch.