Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Câu ca dao như một lời mời gọi chân tình với người nơi xa rằng hãy đến thăm xứ Nghệ. Đường vô xứ Nghệ được miêu tả bằng từ láy "quanh quanh" cho thấy sự hùng vĩ của vùng đất này với phong cảnh thật hữu tình "non xanh nước biếc". Người xưa dùng phép so sánh rất ý nhị càng tô vẽ đậm nét vẻ đẹp của thiên nhiên, thành một bức tranh họa đồ. Lời mời gọi vừa có lý có tình làm xuyến xao lòng những ai chưa từng biết đến xứ Nghệ, đồng thời thể hiện niềm tự hào của chính con người xứ Nghệ.

Đến với xứ Nghệ rồi, xin hãy dừng chân nơi hai địa danh nổi tiếng: núi Hồng và dòng sông Lam:

Non Hồng ai đắp mà cao/ Sông Lam ai bới, ai đào mà sâu…

Người Nghệ hãnh diện bởi đây là biểu tượng của quê hương mình, gắn với cuộc sống lao động cần cù, là nơi bắt đầu những lần hò hẹn cho tình người đơm hoa kết trái. Đại từ phiếm chỉ "ai" trong câu ca được nhắc lại hai lần để khẳng định nguồn gốc lịch sử lâu đời, chiều cao của núi, chiều sâu của sông nối liền một dải như tình người xứ Nghệ đằm thắm qua thăng trầm của thời gian.

j-1706881749.PNG
Núi Hồng sông Lam - danh thắng nổi tiếng xứ Nghệ

Tình yêu lứa đôi trong ca dao xứ Nghệ được thể hiện rất mộc mạc, bình dị mà thẳng thắn:

Đã thương nhau thì thương cho chắc/ Bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đầu truông/ Khi vui giỡn bóng, khi buồn thì bỏ đi.

Bài ca dao là lời khẳng định, lời thề son sắc trong tình yêu: đã thương thì thương cho chắc (chắc chắn, trước sau như một), còn không thương nhau thì cũng dứt khoát một lời (trục trặc). Âm điệu toàn vần trắc không hề làm cho lời ca nặng nề, mà nó làm nổi bật tính cách con người xứ Nghệ: thẳng thắn, bộc trực, có gì nói nấy. Nhân vật trữ tình nhắn nhủ người mình yêu rằng: Đừng như con thỏ đầu truông/ Khi vui giỡn bóng, khi buồn thì bỏ đi.

Hình ảnh con thỏ đứng đầu truông, giỡn bóng, bỏ đi… ẩn dụ cho sự thay lòng đổi dạ. Ai khi đã yêu đều ước nguyện có được người yêu chung thủy. Bài ca dao như một lời nhắn rất tình cảm và sâu lắng rằng hãy biết trân quý tình yêu, và trân trọng người mình yêu để cả hai có được hạnh phúc lâu bền.

jj-1706881779.PNG
Tình yêu đôi lứa trong ca dao xứ Nghệ mộc mạc, bình dị mà thẳng thắn

Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta tình nặng nghĩa dày/ Có xa nhau đi nữa thì ba vạn sau nghìn ngày mới xa.

Muối và gừng là hai hình ảnh mộc mạc biểu tượng cho tình yêu chung thủy. Nhân vật trữ tình mượn những hình ảnh này để khẳng định tình yêu của hai người rằng đôi ta tình nặng nghĩa dày… Có thể nói sự cân đối nhịp nhàng của hai câu thơ bảy chữ kết hợp với điệp từ muối và gừng được nhắc lại hai lần, các tính từ "cay", "mặn" diễn tả rất đúng điệu tình nghĩa đằm thắm, nồng nàn.

Nhân vật trữ tình trong bài ca dao đã tự đặt ra giả thiết "Có xa nhau đi nữa" và cũng tự trả lời "ba vạn sáu ngàn ngày mới xa". Cách nói ba vạn sáu nghìn ngày như đã nhấn mạnh quyết tâm sắt đá, khắc cốt ghi tâm lời thề gìn giữ tình yêu thủy chung và cuộc sống vợ chồng cho vuông tròn từ lúc mới chớm nở đến khi răng long đầu bạc.