Sáng 1/6, trao đổi với PV Báo Giao thông về thực trạng thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đội ngũ nhân viên y tế khi phải mặc đồ bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: “Khi tiếp cận với người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, đặc biệt khi lấy mẫu và trong vùng lõi dịch Covid-19 thì nhân viên y tế buộc phải trang bị bộ đồ bảo hộ.
Rất thương anh em, nhưng quy định và điều kiện bảo hộ an toàn cao nhất cho anh em thì vẫn phải chấp hành. Chúng tôi cố gắng điều phối lấy những bộ đồ thông khí tốt hơn, ví như bộ đồ cấp 4 dành cho anh em lấy mẫu bộ cấp 6 cực kín để dành cho nhân viên y tế làm trong các khu điều trị".
Chia sẻ về ý kiến chuyên gia y tế cho rằng, khi ở ngoài trời nóng, nhân viên y tế không nhất thiết phải mặc đồ bảo hộ, chỉ cần trang bị khẩu trang N95, kính bảo vệ mặt, đeo găng tay, và thực hành khử khuẩn tốt…, Thứ trưởng Sơn cho rằng: “Giải pháp này chưa đủ an toàn, trong khi yêu cầu đặt ra hàng đầu vẫn là phải đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm cao nhất cho đội ngũ nhân viên y tế. Chính vì vậy, mặc đồ bảo hộ là cần thiết”.
Ông Sơn cho biết thêm: Hiện Bộ Y tế đã yêu cầu địa phương điều chỉnh thời gian cho phù hợp với thời tiết, tránh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của anh em nhân viên y tế.
Cụ thể, tại tâm dịch Bắc Giang, nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 chia làm 2 kíp, từ sáng sớm, gần trưa rút về nghỉ và đến chiều tối tiếp tục lấy mẫu.
"Chỉ khi nhu cầu lên cao quá, anh em mới phải làm 2 ca nhưng vẫn cố gắng luân phiên. Và anh em làm việc làm việc trong bóng dâm và có quạt. Thực tế, qua kiểm tra hoạt động lấy mẫu của anh em ở thôn Quang Biểu (xã Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang) thấy anh em sáng tạo với việc làm các bịch nước đá trong túi zip kẹp lại trên đùi, và cài bên nách để mát hơn…
Tuy nhiên đó là các giải pháp tạm thời, hiện Bộ yêu cầu Viện vệ sinh lao động nghiên cứu, sản xuất gấp các máy thông khí trong trang phục bảo hộ của nhân viên y tế. Trong sáng nay sẽ thử nghiệm thiết bị này, nếu được sẽ sản xuất hàng loạt”, ông Sơn cho biết.