Những năm qua, nhờ có sự lãnh đạo và quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp, các ngành và mọi tầng nhân dân trong cả nước việc thực hiện các chính sách hỗ trợ ngời khuyết tật (NKT) nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đã có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và phụ nữ khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng hơn 18.000 NKT và phụ nữ khuyết tật được tiếp nhận và nuôi dưỡng; 90% bà mẹ có thai được khám thai, sàng lọc khuyết tật trước sinh; 60% trẻ em được sàng lọc khuyết tật bẩm sinh; khoảng 60% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi tiếp cận được dịch vụ sàng lọc khuyết tật sớm sau sinh...

3852-ong-do-manh-hung-pct-hoi-nkt-vn-1666335160.jpg
Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Trẻ em mồ côi Việt Nam

Trong công tác giáo dục đào tạo, hàng năm đã có trên 90.000 trẻ khuyết tật và trẻ em gái có khả năng học tập đang đi học ở các trường mầm non và phổ thông tại 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp…Chương trình hỗ trợ sinh kế cũng từng bước được chú trọng, hàng năm bằng nguồn ngân sách được bố trí thực hiện đề án, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại 24 tỉnh, thành phố, 138 xã cho 1.320 hộ gia đình có người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật. Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đối với người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật để tự phát triển sản xuất đạt gần 90 tỷ đồng, với trên 4.000 lượt khách hàng có dư nợ.

Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý cùng các hoạt động văn hóa cộng đồng, các chế độ ưu đãi về các loại thuế phí đối với NKT, doanh nghiệp sử dụng lao động từng bước được quan tâm. Hạ tầng giao thông từng bước được cải thiện, hiện có hơn 300 phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hỗ trợ cho NKT, phụ nữ khuyết tật dễ dàng tiếp cận; 30% bến xe khách có hạ tầng bảo đảm người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật tiếp cận sử dụng; Có gần 96.000 thôn có nhà văn hóa, sân bãi thể thao phục vụ cộng đồng, trong đó, có phục vụ người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật; tại 45/63 tỉnh, thành phố có phong trào thể thao cho người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật được tiếp cận tham gia.

3849-chi-nguyen-thi-minh-nguyet-dai-dien-nkt-nam-dinh-1666335183.jpg
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, đại diện Hội NKT tỉnh Nam Định tham luận tại hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế đối với phụ nữ khuyết tật hiện nay đó là họ chủ yếu sống dựa vào gia đình, người thân và các khoản trợ cấp xã hội và phần lớn họ đều thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, bản thân dễ bị mặc cảm tự ti khi giao tiếp với cộng đồng, xã hội. Mặt khác, ít được tiếp cận công nghệ thông tin, các kênh truyền thông…nên Phụ nữ khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro trong giao tiếp xã hội, dễ bị lạm dụng lao động, xâm hại tình dục so với những phụ nữ bình thường; Cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, lao động, việc làm trợ giúp NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng còn hạn chế. Trong khi đâu đó vẫn còn nơi này, nơi khác chưa làm hết trách nhiệm trong công tác thực thi phát luật về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NKT.

Theo báo cáo Việt Nam hiện có 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có 58% là phụ nữ; 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Đến nay, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật đang được thụ hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước. Nhưng đối tượng là NKT và phụ nữ khuyết tật có nhu cầu trợ giúp xã hội rất lớn chiếm hơn 20% dân số cả nước. Con số hơn 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 5% hộ nghèo; 4% hộ cận nghèo; hơn 2,6 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm; khoảng 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện; 204.000 người nghiện ma túy; hơn 48.000 người bán dâm; khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực gia đình. Nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị ngược đãi, bị buôn bán và bị xâm hại tình dục hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

3850-em-hoai-em-tam-2-phy-nu-kt-tieu-bieu-1666335207.jpg
Em Trần Thị Hoài và êm Nguyễn Thị Ngọc Tâm, 2/47 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu cả nước

Từ những thực tế trên, tại hội nghị nhiều diễn giả cùng các đại biểu là phụ nữ khuyết tật đại diện cho các huyện hội trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan cần quan tâm đến phụ nữ khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, đại diện Hội NKT tỉnh Nam Định chia sẻ về những thuận lợi khó khăn và những kiến nghị đề xuất: Mặc dù, thời gian qua được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban chấp hành Hội NKT tỉnh, sự nhiệt tình và trách nhiệm của Ban chấp hành Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật, đã giúp câu lạc bộ từng bước hoàn thiện, các hoạt động được tổ chức thường xuyên, qua đó thu hút được nhiều hội viên tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác phát triển Hội, như không có nguồn ngân sách, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí thu từ hội viên hàng tháng. Mặt khác, đối với NKT việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn trong khi địa bàn rộng, việc tổ chức cho chị em tham gia hoạt động, tiếp cận với các dự án sinh kế, các dự án phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Câu lạc bộ Phu nữ khuyết tật tỉnh Nam Định chưa là thành viên của Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định, nên không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, được tham quan học hỏi các mô hình sản xuất giỏi, cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình, góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho các hội viên phụ nữ khuyết tật.

Từ đó, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt kiến nghị với các cấp, các ngành tạo điều kiện hỗ trợ để Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh Nam Định sớm được công nhận làm thành viên của Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định để Câu lạc bộ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động của phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam đã đánh giá cao vai trò và đóng góp của Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng trong chiến đấu trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Phụ nữ là người giữ lửa cho mỗi nếp nhà, cho nét đẹp văn hóa nghìn đời của người dân Việt, là những doanh nhân tiêu biểu góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Hơn thế, trong số họ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật còn là những doanh nhân thành đạt tiêu biểu được Đảng, Nhà nước tôn vinh như chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống. Dù bị mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ, sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào người khác, cơ thể đau nhức nhưng chưa một giờ phút nào chị ngừng cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng. Với những đóng góp xứng đáng cho cộng đồng, chị Vân được bình chọn là 1 trong 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019; Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam với Giải thưởng Sao Đỏ. Hay như các em Trần Thị Hoài, Nguyễn Thị Ngọc Tâm hội viên Hội Phụ nữ khuyết tật tỉnh Nam Định là 2 trong số 47 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu trên cả nước. Mới đây, ngày 17/10/2022, các em đã được Nhà nước tặng thưởng vì đã có những đóng góp nhất định trong phong trào trợ giúp người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật. Họ tiêu biểu cho ý chí vươn lên, không ngừng phấn đấu học tập, lao động góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, hỗ trợ người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật là trách nhiệm không chỉ của Đảng, nhà nước mà là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta./.