Chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ trị giá 6.600 tỉ đồng của Chính phủ dù đã có hiệu lực từ ngày 28-3, đến nay mới có gần 6.300 lao động trong tổng số 3,4 triệu người dự kiến thụ hưởng nhận được tiền.
"Ngóng dài cổ" chờ tiền về dù làm hồ sơ từ tháng 4
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), tính đến ngày 3-6, ngoài Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng hỗ trợ, mới có 19 tỉnh, thành phố đã nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp.
Hơn 2.000 doanh nghiệp với khoảng 46.000 người lao động đề nghị với kinh phí trên 33 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền giải ngân thực sự rất thấp, mới có 100 doanh nghiệp với gần 6.300 công nhân lao động. Các "điểm sáng" là Hà Nội (trên 1,67 tỉ đồng), Cà Mau (1,45 tỉ đồng), Quảng Ninh (hơn 27 triệu đồng)…
Là công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chị Ngọc cho hay chị đã nộp giấy tờ cho công ty từ cuối tháng 4.
"Giấy xác nhận của công ty phát yêu cầu chủ nhà phải ký xác nhận. Ngay sau khi có chữ ký của chủ nhà trọ, mình mang nộp sớm cho phòng nhân sự. Mấy ngày trước, bạn mình hỏi nhưng phòng nhân sự bảo chưa thấy tiền hỗ trợ, nên bảo anh chị em công nhân chờ", chị Ngọc bộc bạch.
Chị Mến, công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), chia sẻ bản thân đã nộp hồ sơ từ đầu tháng 5, nhưng đến giờ vẫn chưa được nhận hỗ trợ. "Công ty báo có tên là được hỗ trợ, nhưng đến tháng 6 rồi mình vẫn chưa thấy tiền về", chị Mến tâm sự.
Trước đó vào ngày 26-5, tại buổi đối thoại giữa công nhân lao động và lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết cả 30 quận, huyện đã triển khai tuyên truyền chính sách tới người lao động và doanh nghiệp.
Tuy vậy, ông Ngọc Anh thừa nhận công tác tổ chức và thông tin chưa thực sự sâu rộng. Do đó, ông đề nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn khi triển khai và hỗ trợ kịp thời cho công nhân lao động.
Giải pháp là gì?
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà, tiến độ triển khai chính sách chậm là do một số địa phương mới ban hành kế hoạch triển khai (cuối tháng 5); việc tuyên truyền, giải thích cho người lao động và doanh nghiệp còn hạn chế; cán bộ cấp huyện một số nơi còn lúng túng, e ngại trong hướng dẫn triển khai.
Một số địa phương lúng túng khi bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, doanh nghiệp yêu cầu thêm giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà, số công nhân đông nên có tâm lý chờ 2 - 3 tháng mới làm một thể…
Thứ trưởng Hà khẳng định, bộ và Chính phủ đã có nhiều công văn đề nghị UBND các tỉnh thành tăng cường phối hợp với bộ, ngành chuyên môn để tuyên truyền, hướng dẫn song song với kiểm tra, giám sát việc triển khai gói 6.600 tỉ đồng này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Trọng Bình, cục trưởng Cục Việc làm, nhấn mạnh cục đã đề nghị chủ tịch UBND cấp tỉnh thành chỉ đạo các khu công nghiệp, doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tốc độ làm hồ sơ.
Theo ông Bình, ngoài hướng dẫn chi tiết gửi về các tỉnh thành, Bộ Lao động - thương binh và xã hội còn cử đoàn công tác mở kênh đối thoại với doanh nghiệp và cơ quan chức năng tại những địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương... để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đôn đốc triển khai chính sách.
"Qua kinh nghiệm triển khai ở Hà Nội, TP.HCM, bài học chỉ ra là người đứng đầu UBND quận, huyện phải quyết liệt trong chỉ đạo bố trí nhân lực giải quyết hồ sơ cho người lao động. Nếu có quyết tâm cao trong toàn hệ thống, UBND cấp huyện có thể giải quyết hồ sơ trong hai ngày làm việc", ông Bình nêu rõ.