Cụ thể, trong công văn số 3323/VPCP-KGVX, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin nêu về vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu, bảo đảm thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3 của Thủ tướng Chính phủ được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.

Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.

nha-tro-1-1654268152727-1654305632.jpg
Hỗ trợ tiền thuê nhà là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân, thu hút người lao động sau đại dịch (ảnh minh họa).

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM vừa có công văn khẩn đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 08/2022/QĐ-TTg về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Địa phương trình bày, liên quan khái niệm "Người sử dụng lao động", Quyết định 08 quy định: "Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh có thuê mướn, sử dụng lao động làm theo thỏa thuận".

Điều này có thể hiểu là chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh mới đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Còn lại, với các loại hình như văn phòng đại diện; cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật... thì người lao động không thuộc đối tượng hỗ trợ?

Về đối tượng và điều kiện thụ hưởng, theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg thì người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ.

Tuy nhiên, đối chiếu quy định thì một số trường hợp đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, không phải đóng bảo hiểm xã hội, gồm cả người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, người lao động nghỉ việc hưởng hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Vì vậy, chưa xác định rõ 2 nhóm trên liệu có không thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không?

Quyết định 08 nêu đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể đề nghị bảo hiểm xã hội xác nhận gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Còn với người lao động quay trở lại thị trường lao động thì không có quy định xác nhận gộp. Vậy trường hợp này doanh nghiệp phải đề nghị hỗ trợ theo từng tháng hay được thực hiện gộp nhiều tháng?.

Quyết định 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/3/2022 nhưng người lao động có thời gian thuê trọ từ ngày 1/2/2022 thuộc đối tượng được hỗ trợ. Vậy người lao động có được hỗ trợ cho thời gian trước khi Quyết định 08/2022/QĐ-TTg có hiệu lực không (tháng 2 và 3/2022)?

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cũng kiến nghị Bộ có quy định trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí của Ủy ban nhân dân thì doanh nghiệp phải chi ngay cho người lao động để tránh tình trạng doanh nghiệp lưu giữ tiền hỗ trợ để sử dụng cho mục đích khác dẫn đến chậm chi trả cho người lao động. Đồng thời, Sở đề nghị Bộ nên có hướng dẫn xử lý trong trường hợp doanh nghiệp có hành vi chậm chi trả cho người lao động.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện có gần 1,2 triệu người lao động trên địa bàn thành phố có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng kinh phí dự kiến gần 2.100 tỉ đồng. Trong đó, hơn 987.000 người lao động đang làm việc và hơn 205.000 người quay lại thị trường lao động./.