4-1680609969.jpg
Hàng loạt dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh.

Theo dự báo của Sở Xây dựng Hà Tĩnh về tình hình nhu cầu đất san lấp, cát xây dựng trong năm 2023 và các năm tiếp theo, bình quân mỗi năm nhu cầu sử dụng cát xây dựng tại địa phương này khoảng 2,5 triệu m3, với trữ lượng các mỏ được cấp hiện tại thì nguồn vật liệu cát xây dựng còn thiếu khoảng 2,3 triệu m3. Tương tự, nhu cầu về đất san lấp trên địa bàn khoảng 5,4 triệu m3 đối chiếu với trữ lượng hiện có còn thiếu khoảng 3 triệu m3.

Giá đất, cát tăng

Theo đánh giá, do chênh lệch cung cầu lớn, cho nên làm giá các loại đất san lấp và cát xây dựng tăng cao, dẫn đến một số mỏ tăng giá bán hoặc không bán để chờ giá lên cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Kỹ sư Nguyễn Thái Hợp, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn và Xây lắp Hoàng Hà, đơn vị thi công công trình hạ tầng tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, theo dự toán, toàn bộ đất san lấp phục vụ dự án được lấy tại mỏ đất tại xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) với mức giá 51.000 đồng/m3.

Mặc dù khoảng cách từ địa điểm triển khai dự án đến địa điểm cấp mỏ chừng 10 km, tuy nhiên giá đất tại chân công trình lên tới 121.000 đồng/m3. Do giá đất chênh lệch như vậy, chỉ tính riêng 40.000m3 đất san lấp mặt bằng tại dự án, đơn vị thi công đã phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng để bù giá chênh lệnh so với mức đấu thầu ban đầu.

“Không riêng gì dự án này, tại dự án xây dựng đường trục ngang khu du lịch biển Văn-Trị thuộc dự án cải thiện cơ sở hạ tầng cho các xã chịu ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê, đơn vị thi công cũng phải “gánh” thêm một khoản chi phí bù lỗ khi phải mua 25.300 m3 đất san lấp với giá cao hơn mức giá đấu thầu của tỉnh”, anh Nguyễn Thái Hợp cho biết thêm.

111-1680609995.jpg
Dự án đường vành đai phía đông thành phố Hà Tĩnh hoàn thành 10% khối lượng.

Tương tự, tại dự án xây dựng đường vành đai phía đông thành phố Hà Tĩnh, theo đại diện các nhà thầu thi công mức giá chênh lệch mà các đơn vị này bỏ ra để mua vật liệu đất san nền là khá lớn.

Theo nhẩm tính, để hoàn thành hạng mục đường giao thông có chiều dài hơn 15,7km này, các đơn vị sẽ cần đến 647.369m3 đất K95 và 62.714m3 đất K98. Với giá đất thu mua đất hiện tại chênh lệnh khoảng 20.000 đồng/m3 so với bảng giá vật liệu của Sở Xây dựng đưa ra thì chi phí mà các đơn vị thi công bỏ ra để bù lỗ không hề nhỏ.

Qua tìm hiểu được biết, thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, nhiều dự án đầu tư công và dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sẽ triển khai tại Hà Tĩnh, nhất là các dự án lớn như: hạ tầng Khu công nghiệp Gia Lách, Khu đô thị mới Hàm Nghi, Khu đô thị Nam Cầu Phủ, Khu công nghiệp Visip tại huyện Thạch Hà… cần một khối lượng nguồn vật liệu đất, cát, sỏi, đá rất lớn.

Do đó, nếu địa phương không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án.

Khan hiếm nguồn cung

Tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông qua địa bàn tỉnh gồm có 4 dự án thành phần, thực hiện qua 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025. Ngoài dự án thành phần Diễn Châu-Bãi Vọt đang được gấp rút hoàn thành, 3 dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài khoảng 102,5km, đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã (Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh).

o-1680610028.jpg
Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án cao tốc bắc-nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần Bãi Vọt-Hàm Nghi và Hàm Nghi-Vũng Áng (Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải), sau khi tổ chức lễ khởi công, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, phương tiện máy móc khẩn trương thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Ban quản lý dự án và phản ánh của các đơn vị thi công, nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là đất đắp và cát đang trong tình trạng khan hiếm.

Theo tính toán của Ban quản lý dự án, hai dự án thành phần Bãi Vọt–Hàm Nghi và Hàm Nghi–Vũng Áng cần khoảng 12,5 triệu m3 đất đắp và hơn 2 triệu m3 cát.

Đối với đất đắp, theo phương thức cung ứng đã thống nhất, 50% khối lượng đất sẽ được cung ứng bởi các mỏ được cấp mới để phục vụ dự án, 50% khối lượng còn lại, các đơn vị thi công phải thu mua tại các mỏ đã được cấp phép, khai thác theo quy định.

“Cái khó nằm ở chỗ, trong khi giá đất đắp đang bị các chủ mỏ đẩy lên hơn, tăng hơn 15.000 đồng/m3 so với đơn giá quy định của tỉnh, thì các mỏ dự kiến được cấp phép để phục vụ dự án đang quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ.

Thậm chí có những khu vực trước đây đã được tỉnh giới thiệu để quy hoạch, cấp mỏ cho dự án nay cũng bị điều chỉnh, chấm dứt vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, quy trình hoàn thiện thủ tục cấp mỏ vật liệu phải mất ít nhất 3 tháng”, ông Hoàng Chiến Thắng cho biết thêm.

Cũng theo phản ánh của đại diện Ban quản lý dự án và các đơn vị thi công dự án, hiện nay các doanh nghiệp cũng đang mỏi mắt tìm nguồn cát để thực hiện dự án.

Qua khảo sát, mặc dù trữ lượng cát xây dựng trên địa bàn khá dồi dào, tuy nhiên do không xuất trình được hóa đơn theo quy định, cho nên các doanh nghiệp, chủ bãi tập kết không mặn mà cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp thực hiện dự án đường cao tốc.

Qua tìm hiểu được biết, trước những khó khăn do việc khan hiếm nguồn vật liệu gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án.

Tổ chức làm việc với các chủ mỏ khoáng sản để yêu cầu điều chỉnh nâng công suất bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhằm tránh thất thoát nguồn tài nguyên, ngăn chặn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép và không để xảy ra tình trạng mất cân bằng cung cầu, tăng giá.

Tăng cường công tác nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép; giám sát việc khai thác, sử dụng khoáng sản không qua đấu giá phục vụ Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam bảo đảm đúng mục đích, đúng địa chỉ…

Bên cạnh những giải pháp mà tỉnh đưa ra, đại diện lãnh đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn mong muốn, tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, giải pháp cứng rắn nữa để kiểm soát, quản lý chặt chẽ trữ lượng, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố.

Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.

Theo Ngô Tuấn - nhandan.vn