76-1726796696.PNG
Sau gần 40 năm sử dụng, cầu treo sông Giăng đang xuống cấp trầm trọng.

Bất an với “cụ” cầu treo

Cầu treo sông Giăng nằm trên tuyến Quốc lộ 46C nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Đây là cây cầu dân sinh quan trọng, kết nối giao thương 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện nên hằng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại.

Cầu được xây dựng từ năm 1985, chiều rộng 4m, dài 120m, tải trọng 10 tấn. Sau gần 40 năm sử dụng, hiện nay cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện giao thông.

Theo quan sát, các mố neo của cây cầu này bị bong tróc, cáp treo cũ kỹ, hệ thống lan can sức chịu lực kém, nhiều vị trí bị rỉ sét, bê tông nứt nẻ. Do cầu quá yếu nên cơ quan chức năng đã cho cắm nhiều biển cảnh báo ở hai đầu cầu và cho dựng hàng rào cọc tiêu để hạn chế xe tải lớn qua cầu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không thể khiến người dân yên tâm được.

Hồi tháng 10/2020, 1 chiếc ô tô chở 3 người đi qua cầu treo sông Giăng va chạm với xe máy chở 2 người. Hậu quả cả 2 xe rơi xuống sông làm 5 người tử vong. Nguyên nhân được xác định do tài xế ô tô không làm chủ được tốc độ và do cầu xuống cấp nên khi xe đi tốc độ cao dẫn đến rung lắc, làm tăng nguy cơ tai nạn.

Thường xuyên đi lại trên cây cầu này, ông Nguyễn Văn Hoàng (trú tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) cho biết, sau vụ tai nạn năm 2020, cầu chỉ cho phép xe tải trọng dưới 5 tấn qua lại. Lực lượng chức năng cũng gia cố thêm cáp đỡ dưới dầm cầu nhưng cách này chỉ giảm một phần rung lắc chứ chưa đảm bảo được tính chịu lực của cầu.

“Lần nào đi qua cầu tôi cũng bất an vì nó rung lắc mạnh, rất nguy hiểm. Lượng người và xe qua lại hàng ngày rất lớn, đường lại nhỏ nên thường xuyên xảy ra ùn tắc”, ông Hoàng nói thêm.

Đầu năm 2024, Khu Quản lý đường bộ II (thuộc Cục Đường bộ Việt Nam) yêu cầu Công ty Quản lý xây dựng công trình giao thông 487 (đơn vị duy tu, bảo dưỡng cầu treo sông Giăng) thuê 2 người dân địa phương túc trực 2 đầu cầu để phân luồng giao thông.

Ông Trần Đình Tân, người được thuê làm nhiệm vụ phân luồng cho biết, sắt thép ở cầu đã hoen rỉ, cáp treo cũ kỹ khiến người dân rất bất an mỗi khi qua cầu.

“Chúng tôi được thuê đứng 2 đầu cầu để phân luồng, giảm tải cho cầu. Nói là cấm xe trên 5 tấn, nhưng thực ra lâu nay chỉ có xe 2 - 3 tấn chạy qua cầu thôi, còn lại phải đi đường khác. Nếu không đi qua cầu thì buộc phải đi đường vòng, xa hơn gần 10km”, ông Tân nói.

Liên quan vấn đề này, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, cầu treo sông Giăng đã xuống cấp từ gần 10 năm trước. Những năm qua, dù đã nhiều lần được duy tu, bảo dưỡng nhưng cầu không còn đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Tháng 6/2024, Cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu sông Giăng với 3 phương án (3 địa điểm xây cầu mới).

Cầu sông Giăng mới dài gần 3km bằng bê tông cốt thép, tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

“Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị sớm xây cầu cứng bằng bê tông cốt thép thay thế cầu treo để đảm bảo an toàn. Tỉnh cũng rất quan tâm, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải sớm bố trí nguồn vốn để triển khai dự án, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên việc cấp bách đó vẫn chưa triển khai được”, ông Nhã nói.

66-1726796735.PNG
Cầu treo Kẻ Nính tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị sập vào hồi 3/2024.

Hiểm họa từ những “cây cầu già”

Theo Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 70 cầu treo. Trong đó, Sở và Khu quản lý đường bộ 2 quản lý 2 cầu treo, 68 cầu còn lại do chính quyền địa phương quản lý.

Do quá trình sử dụng khá lâu năm, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên không ít cầu treo ở các địa phương khác như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong… cũng đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng.

Tháng 3/2024, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu (thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) bị hư hỏng nặng, đang được tu sửa thì bất ngờ đổ sập hoàn toàn xuống sông. Cầu Kẻ Nính được xây dựng từ năm 2013, thiết kế cầu treo dây võng, bản mặt cầu bằng tấm bê tông rộng 2,4m; chiều dài toàn cầu 237m.

Cơ quan chức năng xác định, do đất nền đường đầu cầu phạm vi dưới thanh neo bị sụt lún làm thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị chuyển vị, gãy sập; dây cáp chủ kéo đỉnh trụ tháp phía hạ lưu mố M2 chuyển vị theo phương ngang, gây mất ổn định trụ tháp, làm sập toàn bộ nhịp treo của cầu.

Kẻ Nính là một trong hàng chục cây cầu treo tại tỉnh Nghệ An hiện đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Các cầu treo ở Nghệ An hầu hết nằm trong những khu vực miền núi chia cắt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và có tuổi đời hàng chục năm. Nhiều hạng mục bị rỉ sét, bào mòn, đứt gãy nên mỗi lần mưa lũ xuất hiện, người dân đi qua cầu đều có cảm giác lo sợ, bất an.

Cầu treo chủ yếu là dạng cầu dây võng, với trụ cổng làm bằng thép hoặc bê tông dầm thép; mặt cầu bằng thép hoặc gỗ. Cầu treo có ưu điểm là kinh phí đầu tư thấp, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nhưng lại có tải trọng thấp.

Việc bảo dưỡng và sửa chữa cầu cần được thực hiện thường xuyên, nhưng trên thực tế công tác duy tu, bảo dưỡng còn rất hạn chế. Chính vì vậy, tuổi thọ và độ an toàn của các cầu treo “già cỗi” này luôn là điều đáng lo lắng trước mỗi mùa mưa lũ.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền cơ sở ở Nghệ An cần cắt cử các lực lượng canh gác 2 đầu cầu, không cho các phương tiện và người dân lưu thông trong ngày mưa bão. Hoạt động kiểm tra cũng phải được tiến hành thường xuyên, sát sao để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường báo với ngành liên quan để có hướng ngăn chặn, xử lý kịp thời trước khi xảy ra sự cố mới có thể đảm bảo an toàn giao thông.