Theo quan sát của phóng viên, cầu và đường dẫn lên cầu khá hẹp chỉ đủ cho một xe ô tô đi qua. Đặc biệt mỗi khi có phương tiện trọng tải lớn đi qua thì gần như mặt cầu rung, lắc rất mạnh.
Hiện tại, các vị trí như cáp treo cũ kỹ, hệ thống lan can sức chịu lực kém, nhiều vị trí bị gỉ sét, bê-tông nứt nẻ. Hai đầu cầu cũng được cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo và dựng hàng rào cọc tiêu để hạn chế xe tải lớn qua cầu. Tuy nhiên điều này vẫn chưa thể làm người dân an tâm khi qua cầu.
Chị Nguyễn Thị Huyền xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết: Mỗi lần qua cầu rất sợ bởi cầu rung lắc rất mạnh nhưng vẫn phải đi qua lại hàng ngày bởi nhà cách cầu một đoạn ngắn. Hơn nữa, ở hai phía đầu cầu đều là khu vực dân cư đông đúc, nhộn nhịp và có nhiều trường học, chợ dân sinh. Vào giờ cao điểm, cây cầu phải oằn mình gánh tải nên rất mất an toàn cho người đi lại. Vì vậy, chỉ mong các cấp chính quyền khẩn trương làm lại cầu để người dân yên tâm đi lại.
Theo ông Nguyễn Hồng Nhâm Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa qua cầu treo ngày càng lớn nhưng do cầu yếu, các xe trọng tải lớn không thể qua cầu gây khó khăn rất lớn cho người dân trong vận chuyển hàng hóa, nông sản, kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tại đây cũng thường xuyên xary ra tình trạng tắc đường. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương phải dùng dây cáp, cọc đỡ để gia cố lại cầu nhưng cũng không cải thiện được nhiều. Mỗi khi các phương tiện qua cầu gây rung lắc rất mạnh, không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Cầu treo sông Giăng được xây dựng từ năm 1985. Từ khi tỉnh lộ 533 được nâng lên thành Quốc lộ 46C, tuyến đường và cầu được chuyển giao cho Cục quản lý đường bộ II quản lý. Bề rộng mặt cầu là 4m, chiều dài 120m. Qua quá trình khai thác sử dụng, cầu treo sông Giăng xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu. Đặc biệt, ngày 4/10/2020, trên cầu treo sông Giăng xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 5 người. Điều đáng nói là từ đó cho đến nay, tình trạng nguy cơ mất an toàn khi lưu thông qua cầu vẫn chưa được cải thiện.
Ông Nguyễn Hữu Hiền ( Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An) nhấn mạnh: Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã kiến nghị các cấp, các ngành sớm xây dựng cầu cứng thay cho cầu treo hiện nay. Đây cũng là mong muốn chung của đa số người dân và cán bộ huyện Thanh Chương nhằm phục vụ phát triển kinh tế cũng như nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên đến nay cầu vẫn chưa được khởi công xây mới.
Sau khoảng 36 năm khai thác, sử dụng, cầu treo sông Giăng đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ cho phép xe dưới 5 tấn qua cầu. Đây cũng trở thành vị trí nút thắt trên quốc lộ 46C. Cây cầu cũng không đồng bộ với tải trọng, lưu lượng ngày càng tăng trên tuyến, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế của vùng. Mặt khác, cầu treo này trên quốc lộ 46C, tuyến độc đạo nằm trong khu vực đông dân cư, gây mất an toàn đi lại, giao thương và sinh hoạt văn hóa cho khoảng 65.000 người dân trong vùng.