Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh: Bệnh nhân Phạm Hữu D. (trú tại thôn 2, xã Hà Linh, huyện Hương Khê).
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân đi từ Đăk Lăc về, khi phát hiện đau rát họng, đau cổ, ngứa niêm mạc mắt, đã chủ động đến khám và điều trị tại Bênh viện TTH, nhưng cải thiện ít nên chuyển đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
Nghi bệnh nhân Phạm Hữu D. bị nhiễm bệnh Bạch Hầu, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã khoanh vùng kiểm soát và giới thiệu chuyển lên tuyến trên điều trị.
Người dân không hoang mang, mà chủ động trong công tác phòng chống bệnh./.
Theo các chuyên gia Y tế: Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm các vắc xin có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.