8-1667886309.jpg
Điểm đón trả khách không đúng quy định của nhà xe Văn Minh tại thị xã Hồng Lĩnh.

Ngoài sự tồn tại của các “bến cóc”, không ít nhà xe mặc dù không đăng ký vận chuyển hành khách chuyến cố định nhưng vẫn dừng đón, trả khách, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh và gây ra nhiều bất bình cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Văn phòng, điểm bán vé trở thành “bến cóc”

Lần theo những phản ánh của người dân và một số doanh nghiệp vận tải ở Hà Tĩnh, chúng tôi đi dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ Bến xe Hà Tĩnh đến ngã ba Gia Lách (Nghi Xuân). Điều dễ dàng nhận thấy, dù ngày hay đêm, các phương tiện vận tải hành khách vẫn ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách, xếp dỡ hàng hóa trái quy định.

Có mặt tại khu vực ngã tư Thạch Long (Thạch Hà), thị trấn Nghèn (Can Lộc), phường Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) và ngã ba Gia Lách (Nghi Xuân), chúng tôi dễ dàng bắt gặp các “bến cóc” hình thành ngay tại Văn phòng giao dịch, điểm bán vé của Công ty trách nhiệm hữu hạn Văn Minh. Đã trở thành một quy luật, sau khi rời điểm xuất phát từ Bến xe Hà Tĩnh, các phương tiện vận tải của doanh nghiệp này lần lượt dừng, đón trả khách, xếp dỡ hàng hóa tại các “bến cóc” dọc Quốc lộ 1A nói trên.

Theo giới thiệu của nhân viên phòng vé Văn Minh, mỗi ngày doanh nghiệp vận tải này sẽ có 7 lượt xe chở khách xuất bến từ Hà Tĩnh đi Hà Nội. Mỗi lượt sẽ có một xe khách giường xuất phát từ bến xe Hà Tĩnh, riêng lượt cuối cùng có khung giờ xuất bến 21 giờ 30 phút sẽ có 5 phương tiện vận tải cùng xuất bến. Theo lịch trình đó, các xe chở khách sẽ lần lượt dừng, đón khách tại Văn phòng giao dịch và các điểm bán vé dọc Quốc lộ 1A tại Thạch Hà, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân. Qua tìm hiểu được biết, tại thời điểm các phương tiện vận tải này dừng đón, trả khách, nhất là vào khung giờ cao điểm, do số lượng xe đông, trong khi diện tích văn phòng hạn chế nên phương tiện của nhà xe dừng, đậu ngay giữa lòng đường để đón, trả khách hay bốc dỡ hàng hóa gây mất trật tự an toàn giao thông.

Bà Nguyễn Thị Lý, tổ dân phố 10, phường Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) phản ánh, hoạt động đón trả khách tại Văn phòng giao dịch của nhà xe Văn Minh đã tồn tại từ nhiều năm qua. Sự hiện diện của một “bến cóc” ngay trong khu dân cư ở nội thị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân nơi đây. “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp có phương án xử lý việc khách hàng tập trung đông người trước nhà dân, gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, tuy nhiên họ cứ vẫn làm ngơ. Một hai ngày thì có thể thông cảm cho nhau, nhưng sự việc cứ kéo dài từ năm này qua tháng khác, không biết lực lượng chức năng đang ở đâu”, bà Nguyễn Thị Lý bức xúc.

Cách đó không xa, bến xe khách Hồng Lĩnh được xây dựng tại vị trí đắc địa từ năm 2010, với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng đang rơi vào cảnh vắng lặng, đìu hiu. “Bến cóc tồn tại, hoạt động công khai không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn góp phần đẩy bến xe chúng tôi đi vào ngõ cụt”, một đại diện Ban Quản lý bến xe Hồng Lĩnh chua chát nói.

Cũng như nhà xe Văn Minh, một số doanh nghiệp vận tải hành khách ở thành phố Hà Tĩnh cũng nghiễm nhiên lựa chọn Văn phòng giao dịch và điểm bán vé để đón và trả khách. Điều đáng nói, các “bến cóc” này chỉ cách địa điểm bến xe khách Hà Tĩnh vài trăm mét. Theo phản ánh, động tác ra vào bến xe hầu như chỉ để hợp thức hóa thủ tục, giấy tờ mà thôi. Việc đón, trả khách sai địa điểm quy định cũng được các nhà xe thực hiện công khai và theo khung giờ cố định. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Đem những phản ánh của người dân trao đổi với lãnh đạo các lực lượng chức năng chúng tôi đều nhận được câu trả lời khá giống nhau: Đơn vị cũng đã nắm được tình hình, tuy nhiên do lực lượng mỏng nên việc kiểm tra, xử lý không thể thực hiện thường xuyên. Thành ra, thực trạng “xe dù, bến cóc” khó chấm dứt được trong ngày một, ngày hai.

Số liệu từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tiến hành kiểm tra, lập 44 biên bản trường hợp vi phạm quy định dừng đón, trả khách; xử phạt 113,7 triệu đồng, tước 28 giấy phép lái xe, 8 phù hiệu xe. Mặc dù kết quả xử lý năm nay cao hơn các năm trước song tình trạng vi phạm vẫn chưa thuyên giảm.

9-1667886337.jpg
Các phương tiện dừng, đón khách trái quy định cả ngày lẫn đêm.

Sau mỗi lần huy động lực lượng ra quân rầm rộ, tình hình có lắng xuống, tuy nhiên sau đó hoạt động dừng đón, trả khách sai quy định vẫn chưa được kiểm soát. Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, Nguyễn Đình Minh cho biết, do lực lượng thanh tra mỏng, trong khi đơn vị phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa nên công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý chưa được thường xuyên, liên tục. Khi phát hiện lực lượng thanh tra, các lái xe tiếp tục cho phương tiện lưu thông, trong khi lực lượng thanh tra không được dừng phương tiện vận tải hành khách để kiểm tra nên tình trạng xe khách dừng, đỗ đón trả khách không đúng quy định vẫn còn diễn ra.

Lý giải về tình trạng phương tiện vận tải hành khách trên Quốc lộ 1A chưa được xử lý kịp thời, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh cho rằng, các điểm đón, trả khách chủ yếu tập trung ở khu vực nội thị, tại những vị trí này, công an các huyện, thị đều có thẩm quyền xử lý. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với các thanh tra giao thông thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát các phương tiện vi phạm nhưng do các lái xe tìm đủ cách để đối phó nên rất khó phát hiện, xử lý.

Trung tá Trần Hữu Hương - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông (Công an thị xã Hồng Lĩnh) cho rằng, mặc dù đã tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các nhà xe ký cam kết, tuy vậy tình trạng dừng đón trả khách trên địa bàn vẫn diễn ra. Đối với những vi phạm của nhà xe Văn Minh, đơn vị cũng đã lập biên bản và tiến hành xử phạt hai lần. “Để giải quyết căn cơ tình trạng dừng đón, trả khách, hàng hóa trái phép, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát thì vấn đề xây dựng các điểm dừng đỗ để xe đón trả khách đúng quy định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngày tăng của người dân cần được quan tâm, thực hiện”, Trung tá Trần Hữu Hương đề xuất.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt các điểm đón, trả khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có 27 điểm đón, trả khách trên Quốc lộ 1A. Tiếp đó, năm 2021, địa phương này tiếp tục bổ sung thêm 10 điểm đón, trả khách trên Quốc lộ 1A. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, ngoài các điểm đón, trả khách tại các bến xe, tất cả các điểm khác đều chưa được xây dựng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh sự vào cuộc thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên của lực lượng chức năng, việc thiếu các điểm dừng đỗ để xe đón trả khách là nguyên nhân khiến vấn nạn xe dù, bến cóc đón trả khách không đúng nơi quy định khó xử lý dứt điểm tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh./.