Một gia đình có con trai phạm tội, bị tòa án yêu cầu bồi thường 20 triệu đồng cho người bị hại. Do bồi thường thiếu 17 triệu, cơ quan thi hành án bất ngờ "cắt" 200 m2 đất của gia đình này để bán đấu giá.
 
Vừa qua, nhận được phản ánh của ông Nguyễn Đình Công (SN 1968, trú tại TDP1 thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về những việc làm khuất tất của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên khiến gia đình ông Công chịu nhiều thiệt hại.
 
Theo nội dung vụ án, vào tháng 6/2018, Nguyễn Đình Tuấn (SN 2001, con trai của ông Nguyễn Đình Công) trong khi đi chơi đã dùng con dao bấm đâm Phan Thế Tiến Đạt (SN 2001, trú tại thôn Nam Yên, xã Cẩm Yên) khiến nạn nhân bị thương tích 22%.
 
Tuấn bị 2 cấp Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Xuyên và Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng. Do Tuấn chưa đủ 18 tuổi nên bố mẹ Tuấn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bị hại 20 triệu đồng.
 

 
Bà Nguyễn Thị Bưởi (áo trắng), đại diện gia đình nêu các thắc mắc với đoàn cưỡng chế thi hành án.
 
Bán đấu giá 200m2 đất lấy 110 triệu đồng, chủ hộ không hay biết?
 
Liên quan đến việc bồi thường cho bị hại 20 triệu đồng của vụ án cố ý gây thương tích, do cả hai bố mẹ Tuấn đều không có sức khỏe, thu nhập nên gia đình xin được nộp dần và đã nộp được 3 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên không thu tiền nữa mà ra quyết định cưỡng chế thửa đất của gia đình để thực hiện thi hành án.
 
Ông Công cho rằng, sau khi bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án huyện Cẩm Xuyên có quyết định thi hành án nhưng không thông báo cho gia đình được biết về thời gian phải thi hành án để thực hiện.
 
Cũng theo nội dung đơn, với số tiền phải thi hành án là 17 triệu đồng, Chi cục Thi hành án huyện Cẩm Xuyên đã ban hành quyết định cưỡng chế thửa đất 200m2 (trong đó 100m2 đất ở và 100m2 đất vườn) trên tổng số 1.514m2 của gia đình ông Công, mà không cưỡng chế một số vật dụng trong nhà. tương đương số tiền cần phải bồi thường cho bị hại.
 
Đặc biệt, khi bán đấu giá mảnh đất, Chi cục Thi hành án huyện Cẩm Xuyên không thông báo cho gia đình được biết. Đến ngày 28/5/2020, khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế để bàn giao đất thì gia đình mới biết được là đất đã bán đấu giá.
 
Tại buổi bán đấu giá chỉ có duy nhất 1 người tham gia là ông Trần Văn Tuấn (ở TDP1 thị trấn Cẩm Xuyên). Ông Tuấn được mua ảnh đất với giá thẩm định (giá khởi điểm). Với diện tích 200m2 đất cưỡng chế của gia đình tại TDP1 thị trấn Cẩm Xuyên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên chỉ bán được 110.640.000 đồng, thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho gia đình.
 
Ông Công cũng phản ánh là Chấp hành viên tự lập biên bản sai sự thật về việc đưa thông báo đến mà gia đình không nhận, sau đó đến nhà thôn trưởng Hoàng Hữu Bính nhờ ký vào.
 
Chi cục Thi hành án nói gì?
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Cương, Chi Cục trưởng thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đây là vụ án cố ý gây thương tích, Tòa tuyên bồi thường 50 triệu đồng, trong đó con ông Sơn bà Anh chủ trì nên phải chịu 30 triệu, con ông Công bà Cảnh 20 triệu. Vì đang độ tuổi vị thành niên nên buộc bố mẹ các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường”.
 
“Hai gia đình này cũng khó khăn, đặc biệt là Nguyễn Đình Tuấn con ông Công bà Cảnh sau đó lại gây tai nạn khiến 1 người tử vong, phải bồi thường 70 triệu đồng và chịu 28 tháng tù giam”, ông Cương thông tin thêm.


 
Ông Nguyễn Hữu Cương, Chi Cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên trực tiếp đào hố chôn cọc ranh giới.
 
Cũng theo ông Cương, Chi cục Thi hành án đã nhiều lần vận động gia đình nộp tiền bồi thường cho bị hại đúng thời gian quy định. Nếu không, khi tiến hành cưỡng chế sẽ phát sinh các chi phí cưỡng chế kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, cưỡng chể chuyển giao đất... Các chi phí này người dân phải chịu.
 
“Trước đó, gia đình này đã nộp góp được 3 triệu đồng. Nhưng khi đã ban hành quyết định cưỡng chế rồi thì phải nộp đủ số tiền phải thi hành án và số tiền phát sinh trong quá trình cưỡng chế”, ông Cương nói.
 
Về việc cắt diện tích 200m2, ông Cương lý giải: “Khi cán bộ đi xác minh thì khu vực gia đình ông Công ở đang thuộc xã Cẩm Huy, mới có quyết định nhập vào thị trấn đầu năm 2020. Đất của gia đình này giá trị thấp, 1m2 đất ở theo giá nhà nước chỉ được 500.000 đồng, còn đất vườn chỉ 5.000 đồng nên phải cắt 200m2 mới được 60 - 70 triệu đồng. Sau này họ thẩm định theo giá thị trường thì mới lên đến trên 110 triệu đồng. Đất nông thôn phải cắt tối thiểu 150 - 200m2, nếu cắt quá nhỏ thì không thể bán được”.
 
“Khi tổ chức bán đấu giá chỉ 1 người mua nên Trung tâm bán đấu giá xin ý kiến của chấp hành viên và bán trong trường hợp đặc biệt với giá ngang bằng giá thẩm định”, ông Cương cho hay.
 
Về nội dung ông Công phản ánh Chi cục Thi hành án đã bán đấu giá tài sản mà không thông báo cho gia đình, phóng viên đã liên hệ với Chấp hành viên Trần Đình Vũ để tìm hiểu, xác minh.
 
Ông Vũ thông tin: “Ngày 23/4, tôi đến nhà ông Công bà Cảnh để gửi thông báo số 118 về việc sẽ tổ chức bán đấu giá vào ngày 28/4. Tôi gặp trực tiếp bà Cảnh nhưng đương sự không nhận nên tôi về trụ sở Ủy  ban niêm yết và lấy xác nhận”.
 
Nói về thời hạn tiến hành thi hành án, ông Vũ cho biết: “Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án. Chúng tôi thi hành theo yêu cầu của người bị hại. Khi họ có đơn thì chúng tôi ra quyết định để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án”.
 
Cũng theo ông Vũ, tính đến ngày 28/5, sau khi cưỡng chế đất của gia đình ông Công và bán đấu giá xong, việc thi hành án đã hoàn tất. Kinh phí phát sinh trong quá trình thi hành án khoảng 27 triệu đồng. Sau khi thanh toán bồi thường và chi phí phát sinh, số tiền còn lại sẽ được cơ quan thi hành án bàn giao cho gia đình ông Công.
 
Thu hồi quyết định cưỡng chế mảnh đất đã bán đấu giá, đúng hay sai?
 
Liên quan đến người chứng kiến khi lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo thi hành án, ông Hoàng Hữu Bính, thôn trưởng cho biết, hôm đó ông đang đi trực thì ông Trần Đình Vũ gọi điện xin chữ ký. "Họ lập biên bản ở đâu tôi không biết nhưng đưa đến nhà nhờ tôi ký", ông Bính cho hay.
 
Ông Phạm Danh Trí, Bí thư chi bộ TDP1 thị trấn Cẩm Xuyên chia sẻ: “Quan điểm của tôi là nếu gia đình chống đối thì cưỡng chế là đúng pháp luật. Nhưng khi cưỡng chế, cơ quan thi hành án nên về thôn xóm, xem hoàn cảnh gia đình như thế nào, có chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước hay không. Sau đó, nếu gia đình không có khả năng trả thì lập biên bản có địa phương làm chứng rồi mới tiến hành cưỡng chế”.
 
“Kể cả đấu giá, sau khi niêm yết ở địa phương thì nên thông báo về các thôn và gia đình được biết, để anh em ai có điều kiện thì lấy, như vậy sẽ hợp tình hợp lý hơn”, ông Trí nêu ý kiến.


 
Chi cục Thi hành án huyện Cẩm Xuyên ra quyết định thu hồi Quyết định cưỡng chế chuyển giao tài sản và thông báo tiếp tục bán đấu giá lại tài sản thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
 
Trước phản ứng của gia đình ông Công, ngày 4/6/2020, Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên ban hành Quyết định số 14/QĐ-CCTHADS về việc thu hồi Quyết định cưỡng chế chuyển giao tài sản; đồng thời có Công văn số 140 CV-THADS về việc tiếp tục bán đấu giá lại tài sản thi hành án đối với thửa đất của gia đình ông Nguyễn Đình Công.