Theo Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4, Quân khu 4, đơn vị đứng chân làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng trên địa bàn 8 xã của huyện Kỳ Sơn và Quế Phong. Đây là khu vực biên giới có địa hình phức tạp, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống, trình độ dân trí chưa cao, còn nhiều hủ tục. Cùng với đó, do thói quen canh tác lạc hậu, bà con trồng trọt, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, vất vả.

Xuất phát từ thực trạng trên, Đoàn KT-QP 4 đã chỉ đạo các cơ quan và đội sản xuất tìm hiểu, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, như: Nuôi cá tầm, nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt siêu nạc, nuôi dê boer lai sinh sản, gà đồi; trồng và chiết xuất tinh dầu sả java, trồng chè shan tuyết, bắp cải Nhật, bí Lào, đu đủ Đài Loan, khoai sọ... Sau khi các mô hình thử nghiệm triển khai thành công, đơn vị tổ chức tuyên truyền, đưa người dân đi tham quan, học tập, hỗ trợ cây, con giống, vật tư, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

76-1686705453.png
Cán bộ Đội Sản xuất 3 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi gà.

Tháng 4-2021, gia đình anh Lầu Bá Khùa ở bản Ca Nọi, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn được Đội Chế biến (Đoàn KT-QP 4) tặng 30kg cá giống các loại. Sau một năm, được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ, nhân viên Đội Chế biến, ao cá của anh Khùa bắt đầu cho thu hoạch. Anh Khùa cho biết: “Nhờ bộ đội giúp đỡ con giống, hướng dẫn cách nuôi cá mà vừa qua vợ chồng mình thu hoạch được 50kg cá, bán được hơn 5 triệu đồng. Số tiền này mình dành một phần để trang trải cuộc sống gia đình, một phần để mua cá giống, từng bước phát triển kinh tế”.

Tương tự, năm 2022, gia đình ông Vi Văn Viết ở bản Long Thắng (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) được Đội Sản xuất 6 (Đoàn KT-QP 4) hỗ trợ 1.000 cây bắp cải giống, trồng trên diện tích 500m2. Sau khi thu hoạch, gia đình ông Viết bán được 5 triệu đồng. Năm 2023, ông Viết tiếp tục được đơn vị hỗ trợ 300 cây bí giống. Cán bộ, nhân viên Đội Sản xuất 6 còn hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăm sóc nên vườn bí phát triển tốt. Trước sự quan tâm, giúp đỡ của bộ đội dành cho gia đình, ông Viết xúc động nói: “Các chú bộ đội không những cho cây giống mà còn xuống tận nơi chỉ bảo cách chăm sóc. Nhờ bộ đội mà nay gia đình tôi không còn lo đói nữa”.

Nhờ sự giúp đỡ của Đội Sản xuất 6, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hạnh Dịch đã thành công trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt, góp phần nâng cao đời sống, điển hình như gia đình ông Vi Văn Thành với mô hình trồng cải bắp và dưa chuột; 4 gia đình, gồm: Hà Văn Thịnh, Hà Văn Thới, Hà Văn Tuấn, Ngân Văn Thoại thành công với mô hình trồng khoai sọ; gia đình ông Lô Văn Thắng và Hà Văn Ngầm với mô hình chăn nuôi trâu, bò, vịt, nuôi cá trắm cho thu nhập cao...

Không những giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 còn thường xuyên bám dân, bám bản, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không di cư tự do, không truyền đạo trái phép, loại bỏ các hủ tục; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương mở lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho hàng trăm người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, hằng năm, Đoàn KT-QP 4 đều tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân; huy động hàng trăm ngày công bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện chung tay với địa phương trong xây dựng nông thôn mới, chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh...

Đánh giá về những đóng góp của Đoàn KT-QP 4 với sự phát triển của địa phương, đồng chí Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Thời gian qua, Đoàn KT-QP 4 đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, giúp đỡ bà con nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả các mô hình mà Đoàn KT-QP 4 đã và đang thực hiện đối với địa phương. Đây là những mô hình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương và phong tục, tập quán của bà con. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với đơn vị để tuyên truyền, vận động bà con học tập, nhân rộng...”.

Theo Hoàng Thái - qdnd.vn