Doanh thu mỗi năm khoảng trên 20 tỷ đồng, của HTX Chiến Thắng tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, với mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.
 
Hợp tác xã (HTX) thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (HTX Chiến Thắng) tại Thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), do bà Đặng Thị Luận (SN 1971) làm giám đốc, được thành lập vào năm 2016, do 8 thành viên góp vốn kinh doanh sản xuất.
 
Ngành nghề khi mới thành lập là sản xuất nước mắm và ruốc với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tiêu thụ trong địa bàn tỉnh. Từ khi có chương trình sản phẩm OCOP, HTX Chiến Thắng đã phát triển thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp đạt tiêu chuẩn 3 sao, được nhiều người biết đến và tiêu thụ rộng rãi trên khắp cả nước.
 
Không dừng lại ở đó, HTX Chiến Thắng đã chú trọng và hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, tại cuộc thi đánh giá về xếp hạng năm 2020, nước mắm Luận Nghiệp đã “trình làng” loại nước mắm thượng hạng với 36 độ đạm, đạt tiêu chuẩn 4 sao.
 
Với diện tích 1.200m2, HTX Chiến Thắng hiện có hơn 600 chum sành để muối nước mắm thủ công và 6 bồn muối theo hệ thống năng lượng mặt trời do Sở KHCN Hà Tĩnh chuyển giao, mỗi năm, đơn vị đã thu mua khoảng 200 tấn cá cơm để chế biến nước mắm. 
 
Sau khoảng 1,5 đến 2 năm, HTX thu về khoảng 100.000 lít nước cốt. Trong đó có khoảng 20.000 lít nước mắm thượng hạng, đạt tiêu chuẩn 4 sao, giá bán 200 nghìn đồng/lít; 80.000 lít tiêu chuẩn 3 sao với giá 150 nghìn đồng/lít và 150.000 lít nước mắn loại 2 với giá bình quân 50 nghìn đồng/lít.
 
Ngoài sản phẩm nước mắm thương hiệu Luận Nghiệp nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, HTX Chiến Thắng còn chế biến ruốc mặn, sứa muối, cá mờm rim lạc... rất được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm HTX Chiến Thắng muối khoảng 150 tấn ruốc mặn; khoảng 700 tấn sứa tươi, mỗi loại ngon đều có giá 50.000 đồng/kg.
 
Không những thế, mỗi ngày HTX Chiến Thắng còn thu mua hàng chục tấn cá tươi, cá khô giúp ngư dân trên địa bàn xã Kỳ Ninh, rồi cấp cho các tỉnh lân cận. Với đa dạng về loại hình kinh doanh, phong phú về mặt sản phẩm, doanh thu mỗi năm của HTX Chiến Thắng khoảng trên 20 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, với mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.
 
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, gần đây HTX Chiến Thắng đã mở rộng quy mô và năng lực hoạt động. Hiện tại HTX Chiến Thắng đã có 15 thành viên và đang tiến hành xây dựng cơ sở 2 tại thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh (Thị xã Kỳ Anh) với diện tích trên 1ha.
 
 
Bà Đặng Thị Luận đang kiểm tra hương vị và màu sắc, độ sánh của nước mắm
 
Tại cơ sở mới này, quy trình sản xuất nước mắm sẽ được xây dựng bằng hệ thống năng lượng mặt trời, nhằm giải phóng sức lao động và giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, tại đây còn xây dựng hệ thống kho đông lạnh, hệ thống máy sấy cá để bảo quản cá tươi và chế biến cá khô. Khi đi vào hoạt động, sản lượng cá cơm tiêu thụ để sản xuất nước mắm dự kiến lên tới 500 tấn/năm.
 
Nói về cái duyên với nghề, bà Đặng Thị Luận, Giám đốc HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng chia sẻ: “Vốn sinh ra ở vùng biển Kỳ Ninh, nên từ nhỏ đã được chứng kiến cảnh người dân trong làng tự muối nước mắm để sử dụng. Lớn lên được bố đẻ (từng công tác tại xí nghiệp chế biến thủy sản - PV) truyền nghề, nên tôi đã ấp ủ, xây dựng và phát triển thành thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp được người tiêu dùng biết đến như hiện nay".
 
Bà Luận cho biết, nguyên liệu và quy trình chế biến nước mắm truyền thống thì giống nhau, nhưng mỗi cơ sở lại có bí quyết riêng để làm nên thương hiệu của mình. 
 
Thời gian muối cá diễn ra quanh năm, tuy nhiên, để nước mắm thơm ngon, màu sắc đẹp..., thì nên vào vụ từ các tháng 2, 3, 4. Bởi giai đoạn này thời tiết thuận lợi, ngư dân đánh bắt được nhiều nên giá thành có giảm. Hơn nữa, nắng nóng kéo dài dễ hong phơi, náo đảo, nên nhanh chín và lợi hơn.
 
Về kỹ thuật muối cá, bà Luận chia sẻ: “Cá sau khi được rửa sạch thì để cho thật ráo nước, sau đó trộn đều với muối theo tỷ lệ 6 cá - 1 muối và cho vào chum, vại đã được vệ sinh sạch sẽ. Sau khi đổ đầy cá thì dùng vĩ tre và đá đè lên càng chặt càng tốt. Một tháng sau thì bắt đầu náo đảo”.
 
“Để có nước mắm thượng hạng, đạt tiêu chuẩn 4 sao thì phải kỳ công từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến quy trình chế biến. Nguyên liệu phải tuyệt đối tươi ngon và muối vào đầu năm để đón nắng. Hơn nữa phải được hong phơi, náo đảo thường xuyên và đặc biệt là thời gian muối phải trên 2 năm”, nữ giám đốc bật mí.
 
Cũng theo bà Luận, vừa qua nước mắm Luận Nghiệp được xếp hạng 4 sao, sản phẩm sứa đạt tiêu chuẩn 3 sao nhưng chưa cấp giấy chứng nhận. Sắp tới HTX sẽ đưa sản phẩm ruốc đi thi tại TP Hà Tĩnh.
 
Với thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, tháng 10/2020, bà Đặng Thị Luận được trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam Xuất sắc năm 2020./.