Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cụ Tiếp tình nguyện lên đường nhập ngũ tại Đại đội 47, Đoàn 22 Quân khu IV khi tròn tuổi 30. Sau một thời gian huấn luyện quân sự, cụ được cấp trên điều động vào chiến trường B5 (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Khi Quảng Trị được giải phóng, đơn vị của ông tiếp tục được điều động sang chiến trường Lào.

xxxx-1707388701.jpg
Cựu chiến binh Dương Đức Tiếp luôn là điểm sáng, điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Nói về một thời kháng chiến gian khổ, cụ Tiếp nhớ lại: “Những năm tháng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường Quảng Trị với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm nhưng tôi và đồng đội vẫn ngày đêm bám trận địa, thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển quân và vũ khí, đạn dược vào chiến trường. Bằng tinh thần chiến đấu quả cảm của người lính, đơn vị chúng tôi đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Cho đến bây giờ, trong thâm tâm tôi luôn nhớ về những người đồng đội đi chiến đấu với mình nhưng không thể trở về”.

Năm 1974, do bị thương nặng, sức khỏe yếu không thể tiếp tục ở lại quân ngũ, cụ Tiếp chuyển về công tác tại Xí nghiệp đóng tàu Bến Thủy rồi Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh. Đến năm 2000, cụ nghỉ hưu rồi trở về quê hương.

Trở về cuộc sống đời thường, mặc dù vết thương chiến tranh vẫn ngày đêm giày vò cơ thể, nhưng cựu chiến binh - thương binh hạng 2/4 Dương Đức Tiếp vẫn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, giữ vững chuẩn mực tác phong của người lính Cụ Hồ.

Với cụ Tiếp "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cần phải đi đôi với những việc làm thiết thực. Cụ luôn dành nhiều thời gian tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua tại địa phương, động viên bà con hàng xóm, hội viên tham gia lao động sản xuất xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, hàng tháng cụ đều trích một phần lương hưu ít ỏi của mình để quyên góp, cùng thôn làm đường bê tông, lắp đường điện chiếu sáng, mua sắm quạt tặng các cháu nhỏ ở trường mầm non.

Không chỉ chăm lo các hoạt động đền ơn - đáp nghĩa, hằng năm vào dịp mỗi dịp lễ, Tết cụ thường bớt đi một phần khoản chi tiêu của gia đình để dành đi thăm hỏi, tặng quà động viên những gia đình nghèo, gia đình chính sách, người già yếu neo đơn, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống.

Cả cuộc đời kính Bác bằng một tình cảm đặc biệt và thiêng liêng nên cụ Tiếp luôn dành thời gian để học tập Bác từ những điều giản dị nhất. Để tưởng niệm, tri ân công lao của Bác, năm 2010 cụ đã xây dựng Đài tưởng niệm Bác Hồ trong khu vườn gia đình, giữa một không gian nhiều cây xanh, hoa trái.

Dâng nén hương thơm lên tượng đài Bác Hồ, cụ bồi hồi, xúc động nói: “Phải nói Bác Hồ của chúng ta là một con người vĩ đại. Trước đây nhân dân ta khổ cực, cơm không có ăn, áo không có mặc nhưng nhờ có Bác mà chúng ta có cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay. Đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong tự do cũng nhờ có công lao to lớn của Người. Cảm phục trước hành động, việc làm vĩ đại như thế nên tôi thường xuyên sưu tầm các tư liệu, câu chuyện về bác để học tập và làm theo tư tưởng của người. Tôi cũng thường kể các câu chuyện về Bác Hồ để mong con cháu mình học tập tốt, ngoan ngoãn noi theo”.

Hiện nay, trong ngôi nhà nhỏ của mình, cụ dành hẳn một gian phòng để lưu trữ rất nhiều tài liệu, sách báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vị lãnh tụ của Đảng, Nhà nước... Theo cụ, những tài liệu, sách báo này một mặt là để nâng cao hiểu biết cho bản thân, mặt khác còn là để giúp mọi người cùng học tập, rèn luyện làm theo gương Bác Hồ.

mm-1707388732.jpg
Cụ Tiếp sở hữu “kho tàng” tư liệu rất quý về Bác Hồ

Ngoài những giờ làm việc, cụ Tiếp còn sang tác thơ ca. Đến nay, cụ đã viết hơn 100 bài thơ viết về Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước….

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Ngày mới online, ông Nguyễn Duy Trí, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết: “Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua của xã Cẩm Thành có sự đóng góp không hề nhỏ của cựu chiến binh Dương Đức Tiếp. Ông là người gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Tấm gương sáng trong công tác tuyên truyền, các cuộc vận động bà con nhân dân xây dựng nông thôn mới. Những việc làm thầm lặng, nhưng giàu ý nghĩa của ông được nhiều người kính phục, được nhiều cấp, nhiều ngành tôn vinh và nêu gương cho mọi người học tập”.

788-1707388755.jpg
Đài tưởng niệm Bác Hồ được cụ Tiếp đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên của gia đình

Nhờ có nhiều công lao trong đời quân ngũ, cụ Tiếp đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến cao quý. Năm 2007, gia đình cụ được bình chọn đi tham dự Hội nghị gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Năm 2010, cụ được Tỉnh ủy Hà Tĩnh bình chọn là điển hình xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được vinh dự báo cáo điển hình tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, trong suốt thời gian miệt mài tâm huyết tham gia các hoạt động xã hội, cụ đã được nhiều cấp, ngành trao tặng bằng khen, giấy khen và nhiều danh hiệu thi đua khác.