Khoảng 12 giờ trưa, cả đoàn đến dãy núi Pha Sum Khảo, nơi có cột mốc số 108 trên biên giới Việt Trung, thuộc xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là chuyến về Tổ quốc của Bác Hồ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Họa sĩ Trịnh Phòng thể hiện rất thành công cảnh và người trong bức tranh “Bác Hồ về nước”. Bài viết này chỉ nói về người gánh hành lí trong bức tranh.
Ông Lê Văn Lợi, ở thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cháu nuôi, cũng xem như là con nuôi của cụ Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1907, quê gốc thị trấn Ba Đồn, huyên Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đưa cho chúng tôi xem nhiều tranh, ảnh, tài liệu và kể cho chúng tôi chuyện về cụ Nguyễn Thị Cúc và chồng là cụ Phạm Văn Lộc. Cụ Lộc là người gánh hành lí trong số 5 người tháp tùng Bác Hồ về nước trong bức tranh của họa sĩ Trịnh Phòng.
Cụ Phạm Văn Lộc (chứ không phải là Hoàng Văn Lộc như nhiều văn bản đã ghi), sinh năm 1900, quê gốc ở thôn Văn La, xã Lương Ninh, tên thật là Nguyễn Văn Ty. Những năm 20 của thế kỉ trước, cùng nhiều người khác, gia đình cụ Ty “tha phương cầu thực” tận nước Xiêm La (tức Thái Lan). Tại đây, cụ Ty gặp và yêu cụ Cúc. Cả hai người đều là người trong tổ chức “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” tại Đông Bắc Thái Lan lúc bấy giờ.
Năm 1928, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở đây, nhận thấy vẻ lanh lợi, tháo vát, giỏi võ và biết cả việc bốc thuốc chữa bệnh nên vận động Nguyễn Văn Ty ở cạnh mình để giúp đỡ. Bác đã cải tên Nguyễn Văn Ty thành Phạm Văn Lộc để dễ hoạt động cách mạng. Thấy tình yêu giữa Lộc và Cúc càng thắm thiết, gắn bó, Bác đứng ra tác thành để hai người thành vợ, thành chồng.
Trong một lần đi đưa tài liệu trong tổ chức cách mạng, cụ Cúc bị ngã xe đạp do mật thám rượt đuổi, cụ nhanh trí hủy tài liệu mang theo nên chúng không buộc tội được cụ. Nhưng, cái thai trong bụng do chấn động mà bị băng hoại. Từ đó, bà không còn khả năng làm mẹ.
Tháng 11/1929, do nhu cầu phát triển cách mạng, Bác quyết định sang Trung Quốc để tiến hành hợp nhất các đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930) và đưa cụ Lộc theo cùng. Trước khi đi, cụ Lộc thổ lộ với cụ Nguyễn Văn Bun (ông ngoại ông Lê Văn Lợi bây giờ), cũng là Việt kiều ở Thái, nếu vợ chồng cụ Bun có con thì cho cụ Cúc một đứa để nuôi. Bạn đồng niên, đồng hương nên cụ Bun đồng ý. Cụ Phạm Văn Lộc tạm biệt vợ, gồng gánh hành lí theo chân Bác sang Trung Quốc kể từ đó.
Năm 1937, vợ chồng cụ Bun sinh con gái Nguyễn Thị Đòn. Thực hiện lời hứa với bạn, ông Bun trao bé Đòn cho cụ Cúc nuôi. Nhưng do bận bịu với công tác, được một thời gian, cụ Cúc phải trao lại Đòn cho vợ chồng cụ Bun. Tuy nhiên, cụ Cúc vẫn ghé thăm, chăm sóc Nguyễn Thị Đòn những khi rảnh rỗi như một người mẹ nuôi.
Trưởng thành, Nguyễn Thị Đòn kết duyên với Lê Văn Quang, một bạn trai Việt kiều. Sau đó, cụ Cúc về ở với vợ chồng ông Quang, bà Đòn. Vợ chồng ông Quang có 7 đứa con (4 trai, 3 gái), đông con nên vô cùng lận đận, vất vả.
Năm 1960, gia đình ông Quang hồi hương trở về Tổ quốc. Họ sinh sống ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, nơi mà ngày xưa ông bà, cha mẹ mình đã ra đi vì miếng cơm, manh áo.
Tháng 2/1965, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, vợ chồng ông Quang đưa các con ra sơ tán tại tỉnh Nghệ An. Thời gian này, cụ Cúc chủ động xin cậu bé Lê Văn Lợi, chưa tròn tuổi ở với cụ. Thế là, ở tuổi 61, cụ Cúc có đứa cháu nuôi, cũng xem như là con nuôi thân thiết.
Đau đáu trong tâm can cụ Cúc là cụ Lộc đang ở đâu? Nhân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, cụ Cúc gửi bé Lợi cho hàng xóm, tìm đường ra Hà Nội để gặp Bác Hồ hỏi rõ tin tức về cụ Lộc. Nhưng lúc đó Bác đang ốm nặng. Hơn nữa, mọi người không biết cụ nên cụ đành thất vọng trở về.
Sau ngày 30/4/1975, vợ chồng ông Quang dắt díu đàn con trở về bản quán ở Lương Ninh. Cụ Cúc và cu Lợi cũng trở về. Để mưu sinh, hai bà cháu che túp lều bên cạnh hố bom ở bến phà Quán Hàu để sống và bán nước cho người quá giang. Niềm hi vọng tìm chồng của bà Cúc tưởng như đã lịm tắt.
Nhưng, một ngày cuối tháng 5/1979, đọc báo Nhân dân số ra ngày chào mừng sinh nhật Bác Hồ (19/5/1979), mắt cụ bừng sáng khi trong bài viết của đồng chí Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác, có đoạn nói về cụ và cụ Lộc thời ở Thái Lan. Thế là, gom góp tiền bán nước, kèm theo tiền bán đàn gà chọi được 11 đồng 2 hào, hai bà cháu ra Hà Nội gặp đồng chí Vũ Kỳ để tìm chồng.
Đồng chí Vũ Kỳ vô cùng cảm động khi gặp hai bà cháu và kể lại công lao cống hiến lớn lao cho cách mạng của liệt sĩ Phạm Văn Lộc. Cụ Lộc sau khi theo Bác sang Trung Quốc, luôn ở cạnh Người, nấu ăn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tận tình. Trong chuyến trở về Tổ quốc (1941), cụ Lộc gánh tư trang cho Bác (đúng như hình ảnh trong bức tranh “Bác Hồ về nước” của họa sĩ Trịnh Phòng). Tại hang Pắc Bó của núi rừng Việt Bắc cho đến ngày giành được độc lập (2/9/1945), cụ Lộc vẫn ở cạnh Bác Hồ làm người đầu bếp và cần vụ đắc lực, trung thành, tận tụy.
Tháng 8/1945, trước khi trở về Hà Nội, Bác Hồ giao cho cụ Lộc ở lại chiến khu Việt Bắc phụ trách một phân xưởng cơ giới sản xuất, sửa chữa vũ khí. Khi Pháp phản bội, Chính phủ và Trung ương Đảng lại lên Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến, cụ Lộc lại được Bác gọi về ở cạnh Người để phục vụ cho mình và lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Ngày 3/5/1948, cụ Lộc qua đời do bị sốt rét ác tính. Chính ông Vũ Kỳ, ông Kháng (sau này là Cục trưởng Cục cảnh vệ, Bộ Công an) khâm liệm cụ Lộc, có Bác Hồ đứng cạnh trong nỗi đau khôn tả. Sau khi chôn cất cụ Lộc ở mô đất cạnh bờ suối xong, Bác Hồ mới ra về.
Năm mươi năm mới có được tin chồng cũng là lúc biết được chính xác chồng đã mất, cụ Cúc nức nở khóc và cùng cu Lợi xin được chít khăn trắng từ lúc đó để để tang cho chồng và ông - liệt sĩ Phạm Văn Lộc.
Sau ngày đó, cụ Cúc được chính quyền xã Lương Ninh làm nhà lợp ngói để ở. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, cụ Cúc được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại khu dưỡng lão, TP Huế. Cụ còn được cấp sổ hưu và chế độ tem phiếu tương đương chức vụ phó, trưởng Ty lúc bấy giờ, nhưng bà không hề sử dụng. Cụ nói: “Tôi được Nhà nước nuôi như ri là sướng rồi”.
Còn ông Lợi về ở với cha mẹ đẻ và học hết chương trình phổ thông cấp 3, gia nhập quân đội.
Do tuổi già, sức yếu, cụ Cúc qua đời tại Khu dưỡng lão Huế lúc 14 giờ ngày 6/5/1990. Sau khi về chịu tang bà cũng là mẹ nuôi, Lê Văn Lợi trở về đơn vị, sau đó bị tai nạn gãy chân khi đang làm nhiệm vụ. Được điều trị lành lặn, Lợi xin ra quân về nhà học nghề cơ khí sinh sống. Ông Vũ Kỳ dặn, sau khi về nghỉ ở nhà, khỏe người ra gặp ông để ông xin việc làm cho. Nhưng Lợi ngại làm phiền ông Kỳ nên không ra Hà Nội. Ông Lợi lấy vợ ở quê (sinh được 2 cháu trai) và mở cơ xưởng nhỏ để mưu sinh. Vợ chồng ông đều là đảng viên, được dân làng tin yêu, quý trọng.
Năm 2013, tại Thái Nguyên, ATK ngày xưa, Nhà nước đã xây đài tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Lộc. Hằng năm, ông Lợi và gia đình thường ra phúng viếng. Ông Lợi đã cất bốc hài cốt cụ Cúc đưa về đặt trong phần lăng, có mộ gió của cụ Lộc để thờ tại nghĩa trang làng mình. Bàn thờ cụ Lộc, cụ Cúc trong nhà anh, ngày ngày vẫn sáng đèn và ngào ngạt hương khói.