Mặc dù từ tháng 6/2019 Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có kết luận về sai phạm trong việc cấp đất cho 65 trường hợp tại huyện Lộc Hà; tuy nhiên, đến cuối năm 2020, UBND tỉnh mới thành lập tổ công tác để kiểm tra xử lý vi phạm.
 
Năm 2012 - 2013, UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã bình xét và tiến hành giao đất 2 đợt cho 168 cán bộ viên chức hành chính của huyện này. Tuy nhiên, việc xây dựng tiêu chí xét duyệt không bám sát quy định của pháp luật, dẫn đến có 65 trường hợp được cấp đất sai đối tượng.
 

UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Tháng 3/2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thành lập đoàn kiểm tra làm việc với Đảng bộ huyện Lộc Hà để làm rõ một số nội dung. Đến tháng 6/2019, Đoàn kiểm tra kết luận: “Việc giao đất, xét, chuyển thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính cho các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn khi các đối tượng đã có đất ở, nhà ở là không đúng quy định của pháp luật về đất đai...
 
Qua kiểm tra thực tế, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 26/168 lô đất giao cho cán bộ, công chức, viên chức được đưa vào sử dụng (làm nhà ở). Điều này trái với quy định của pháp luật và chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy”.
 
Cũng theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Hà Tĩnh, việc giao đất cho 168 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức không thông qua Hội đồng tư vấn giao đất xã Thạch Bằng; huyện tiến hành tổ chức bốc thăm để giao đất ở cho cán bộ công chức, viên chức, sau đó mới chuyển làm các thủ tục xét, đề nghị giao đất là thực hiện không đúng trình tự thủ tục.
 
Vào cuộc xác minh, trong số 168 lô đất đã được giao, có 65 trường hợp sai đối tượng, trong đó có 08 trường hợp không phải là cán bộ, viên chức hành chính huyện, mà thuộc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn như ngân hàng, điện lực, viễn thông...
 

 
Trong số 65 trường hợp cấp đất sai đối tượng, có 08 trường hợp không phải là cán bộ, viên chức hành chính huyện mà thuộc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
 
Trong số 57 cán bộ viên chức còn lại, có nhiều trường hợp đã có đất ở, một số trường hợp không có hộ khẩu tại địa phương. Đặc biệt, trong số này có 32 trường hợp đã chuyển nhượng đất được cấp. Còn lại 33 trường hợp chưa cho tặng, chuyển nhượng nhưng 26 trường hợp đã xây dựng nhà ở kiên cố.
 
Trao đổi với PV, một cán bộ huyện Lộc Hà cho biết: “Theo quy định của Luật Đất đai, giao đất sai đối tượng thì phải thu hồi; những trường hợp đã cho tặng, chuyển nhượng thì không điều chỉnh thu hồi nữa. Tuy nhiên, có 15 trường hợp đã xây nhà ở kiên cố, có giá trị kinh tế lớn nên việc thu hồi, giải tỏa công trình trên đất sẽ khó thực hiện. Nhưng nếu không thu hồi 15 trường hợp này, sẽ mất công bằng với 50 trường hợp còn lại, dễ nảy sinh khiếu nại tố cáo”.
 
Cũng theo vị cán bộ này, quá trình thực hiện cấp đất, mỗi cán bộ viên chức đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng do UBND huyện huy động. Nếu thu hồi đất thì phải tính toán trả lại tiền gốc, tiền bồi thường cho những người này theo Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017.
 
Nói về hướng giải quyết, vị này cho rằng huyện Lộc Hà có thể đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đã cấp, nhưng phải tính nộp tiền sử dụng đất bổ sung theo giá đất tương đương đấu giá ngoài thị trường tại thời điểm giao đất năm 2013.
 
Thông tin với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà cho biết: “Vì không thể để “từ cái sai này đẻ ra cái sai” khác nên huyện và các Sở, ban, ngành đã họp rất nhiều rồi. Hiện đã xây dựng phương án trình UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thẩm định cho ý kiến”.
 
Gần đây, ngày 28/12/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 4463/QĐ-UBND về việc thành lập tổ công tác tham mưu xử lý vi phạm theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tại huyện Lộc Hà.
 
Thành phần tổ công tác gồm có đầy đủ các lĩnh vực: Tài nguyên, Nội vụ, Tư pháp, Thanh tra, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Công an, Thuế và một số phòng ban thuộc huyện Lộc Hà.
 

 
Hơn 18 tháng trôi qua, huyện Lộc Hà và tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang loay hoay tìm phương án xử lý, giải quyết những sai phạm trong công tác cấp đất.
 
Mặc dù đã xác định được 65 trường hợp giao đất sai đối tượng, tuy nhiên, đã hơn 18 tháng trôi qua, huyện Lộc Hà và tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết.
 
Việc để vi phạm tồn tại quá lâu không xử lý khiến dư luận dấy lên hoài nghi trong đó có nghi ngờ việc kéo dài thời gian để làm thủ tục hợp thức hóa các tài sản này./.