Ít ai biết rằng, ngay tại chân Đèo Ngang (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại có một vựa mai cảnh dồi dào đến thế. Đặc biệt, có những vườn mai trị giá hàng tỷ đồng, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Mai vàng Kỳ Nam đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lại đổ về khu vực đèo Ngang, thuộc xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để chọn những cây mai trưng tết.
Từ khi chuyển đổi mô hình giống cây trồng, mai Kỳ Nam đã đưa lại nguồn thu nhập lớn, biến vùng quê nghèo đói từng ngày khởi sắc, thay da đổi thịt.
Bà Bùi Thị Bình (54 tuổi, thôn Tân Tiến) là một trong những hộ dân trồng nhiều mai cảnh với khoảng 4.500 gốc cả to lẫn nhỏ. Năm ngoái gia đình bà bán được 187 triệu đồng tiền mai Tết. Năm nay bán chạy hơn, hiện đã được gần 300 triệu đồng.
Cây mai này của bà Bùi Thị Bình đã được khách đặt mua với giá 19 triệu đồng.
Bà Bình cho biết: “Khi trồng mai, không ai nghĩ rằng nó đem lại giá trị lớn như thế. Đối với người dân Kỳ Nam hiện nay, trồng mai cảnh là sinh kế bởi cho thu nhập rất cao, mỗi năm bình quân vài trăm triệu đồng. Nhờ thế Tết nhất được đủ đầy, con cái mới có điều kiện ăn học”.
“Công việc trồng mai cũng tương đối nhàn, mỗi năm chỉ bón phân 2 lần vào tháng 3 và tháng 9. Thời điểm mai ra lộc non sẽ xuất hiện sâu ăn lá, tuy nhiên chỉ cần phun thuốc là hết”, bà Bình nói thêm.
Cũng theo bà Bình, nếu tạo mai thế thì hơi khó, còn trồng mai tự nhiên thì ai cũng trồng được. Thông thường, nếu thời tiết thuận lợi thì vào khoảng 15/10 âm lịch sẽ tiến hành tuốt toàn bộ lá để mai ra lộc. Đối với những cây mai muộn, chỉ cần đào quanh gốc để kích thích cho hoa bung nở trúng vào dịp Tết.
Vườn ươm mai con của bà Bình với hàng vạn cây.
Ngoài việc bán mai trưng Tết, bà Bình còn bán mai con và mai giống. Mỗi năm bà Bình bán hàng vạn cây mai con với giá từ 15.000 đến 30.000 đồng. Vừa rồi gia đình bà Bình bán 1 cây mai giống 34 năm tuổi với giá gần 50 triệu đồng.
Một gia đình có tên tuổi trồng mai tại đây là ông Nguyễn Kim Nam (SN 1970, thôn Tân Tiến). Nhìn vườn mai của ông Nam, bất kể là ai, người trồng hay chơi mai cũng đều khao khát bởi những cây mai cổ thụ, có giá cả trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Kim Nam bên cây mai cổ thụ trong vườn.
Khu vườn này có tổng cộng gần 200 gốc mai. Gốc cây mai lớn nhất có đường kính khoảng 20cm, cây nhỏ cũng khoảng 8cm. Có cây cao 3,5m, khoảng 65 năm tuổi, giá 75 triệu đồng. Được biết, có khách vào bao mua cả vườn mai này với giá 1,6 tỷ đồng nhưng ông Nam không bán.
Từng có 24 năm trồng mai, ông Nguyễn Kim Nam cho biết: “Mai cảnh Kỳ Nam có đặc điểm riêng biệt, không thể nhầm lẫn với bất kỳ giống mai nào khác. Mai Kỳ Nam có hoa có màu vàng xanh, nở thành chùm, có chùm lên đến 25 hoa. Mai Kỳ Nam còn đặc biệt ở chỗ, nhiều búp kết lại với nhau trông giống như cái mồng gà”.
Những cây mai có giá từ 65 đến 75 triệu đồng.
Theo ông Nam, mùa Tết năm ngoái, gia đình ông bán được trên 500 triệu đồng tiền mai cảnh. Năm nay tuy dịch bệnh và thiên tai nhưng lượng người chơi mai vẫn không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng. Đến thời điểm hiện tại, ông đã bán được khoảng 40 cây, cây đắt nhất có giá 67 triệu đồng, loại cây vừa là 30 triệu đồng, thấp nhất là 5 triệu đồng.
Để tạo nên sự độc đáo cho mai Kỳ Nam, ông Nguyễn Kim Nam đang tiến hành trồng mai đế dạng Bình Định. Theo đó, gốc mai được trồng nổi trên mặt đất khoảng 30cm, sau khi mai trưởng thành sẽ xả đất để lộ những chân đế hết sức đẹp mắt.
Vườn mai đế dạng Bình Định 1,5 năm tuổi của ông Nam đã ra bông.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Chuổng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Mai Kỳ Nam có từ lâu đời. Ban đầu xuất hiện trong các khu rừng ven biển thuộc thôn Minh Đức, sau đó người dân đem về trồng rồi nhân giống và phát triển như hiện nay”.
Cũng theo ông Chuổng, từ khi chuyển đổi mô hình trồng mai, thu nhập của người dân tăng lên rõ rệt. Hiện có khoảng 40 hộ trồng mai trên địa bàn, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng./.