Chiều 1/4, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu giao lưu với sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM tại "Ươm mầm tài năng Toán và Trí tuệ nhân tạo". Tại đây, sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi trong nghiên cứu Toán học cũng các lĩnh vực trong đời sống với ông. 

Một sinh viên đến từ Gia Lai đặt câu hỏi: "Phu nhân ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của Giáo sư? Giữa việc giải một bài toán khó và giải mã một người phụ nữ, cái nào dễ hơn?"

275787038682809169584065416301959446425003n-1648819486895-1648886103.jpg
GS Ngô Bảo Châu trả lời sinh viên câu hỏi "giải toán và giải mã người phụ nữ" (Ảnh: T.M).

GS Ngô Bảo Châu cười lớn và cho rằng đây là một câu hỏi rất thú vị. Ông chia sẻ, mình may mắn có một người vợ luôn chăm sóc và tôn trọng công việc của chồng. Đó là việc không hề dễ dàng khi ông là người nghiên cứu Toán, có những năm tháng luôn sống khép kín không giao tiếp hay nói chuyện với ai. 

"Nhiều năm liền mặt tôi thường xuyên xị xuống, nhìn không có sự vui vẻ. Không phải là có chuyện gì đó mà chỉ là tôi luôn nghĩ về Toán, nghĩ những bài toán chưa giải được. 

Có một ông chồng cứ mặt nặng mặt nhẹ là gánh nặng tâm lý rất lớn trong gia đình. Vợ tôi không phải là người học Toán nhưng thật may, bà rất thông cảm và các con cũng rất hiểu cho bố. Đây chính là chỗ dựa vững chắc cho tôi", GS Ngô Bảo Châu bày tỏ. 

So sánh giải Toán và giải mã người phụ nữ - cả hai đều khó. Khác nhau ở chỗ với một bài toán, giải hôm nay chúng ta hiểu, ngày mai cũng sẽ hiểu nhưng người phụ nữ, hôm nay ta hiểu nhưng ngày mai có thể ta không hiểu họ nữa. 

Một sinh viên khác hỏi: Người như GS liệu có những khoảnh khắc lười và làm thế nào để vượt qua cơn lười?

Ông Châu bày tỏ, ngoài Toán, ông quan tâm đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống như khoa học, triết học, văn học, mỹ thuật... Chính những điều này làm cho cuộc sống trở nên thú vị hơn, giúp chúng ta có khả năng tập trung cao khi làm việc. 

"Đừng nghĩ mình quan tâm nhiều thứ thì mất thời gian. Chúng ta không thiếu thời gian, chúng ta chỉ thiếu sự tập trung", ông nhấn mạnh. 

Vị GS trải lòng, ông cũng như mọi người, có những lúc lười chỉ muốn gác hết mọi thứ. Nhưng khi lớn tuổi thì càng phải có trách nhiệm, phải cố gắng để hoàn thành công việc. Trong đó, có những việc ông chẳng thích thú gì nhưng phải nỗ lực để đảm bảo thời gian hoàn thành. 

Trước lo lắng của một số người bị mất phương hướng trong học tập, hoang mang trong nghiên cứu, ông Châu trải lòng, khi mới sang Pháp, bản thân cũng từng gặp khủng hoảng nghiêm trọng vì không hiểu đang học gì. Các bài toán ông giải được nhưng không hiểu bản chất các khái niệm, định lý. Qua giá trình học tập, ông vượt qua được khủng hoảng khi hiểu được giá trị của việc nắm bắt những vấn đề trừu tượng để giải quyết các vấn đề cụ thể. 

2770836892658358323105836563625139174133324n-1648819447547-1648886142.jpg
Sinh viên đặt câu hỏi trong buổi giao lưu (Ảnh: T.M).

Từ kinh nghiệm của mình, theo GS Ngô Bảo Châu nhận định, hơn 90% thời gian trong quá trình nghiên cứu, người thực hiện sẽ rơi vào tình trạng bế tắc. Xuất phát từ một số lý do như người nghiên cứu chưa hiểu tường tận về đề họ đang làm, sử dụng lại phương pháp của những người đi trước...

Những điều này đòi hỏi người làm nghiên cứu cần tố chất siêng năng, nghiên túc và đặc biệt không ngừng làm mới mình, tìm cách để có tư duy mới. 

'Trong cuộc đời nghiên cứu, tôi nghĩ chúng ta chỉ độ vài ba khám phá đã hạnh phúc và thấy cuộc sống có ý nghĩa" - ông nói./.