Cây xóa đói
Cách thị trấn Mường Xén khoảng 50km đường đèo núi, xã Mường Lống nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, thời tiết quanh năm mát mẻ, cây cối tốt tươi. Mường Lống từ lâu được coi là “cổng Trời” nơi miền Tây xứ Nghệ, trước đây là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Ngày nay, Mường Lống được coi là “vương quốc” của mận tam hoa, loài cây góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc nơi đây.
Những năm 90 của thế kỷ trước, Mường Lống được xem là “thủ phủ” của cây thuốc phiện khi có tới gần 600 ha thuốc phiện, nhiều nhất huyện Kỳ Sơn. Vào mùa Xuân hoa thuốc phiện nở bạt ngàn, nhưng cuộc sống người Mông ở đây vẫn quẩn quanh bế tắc. Tệ nạn nghiện hút cùng với tập tục du canh, du cư, đốt nương làm cho rừng cạn kiệt, đời sống người dân càng bấp bênh.
Năm 1996, Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Ở Nghệ An, Mường Lống là điểm đầu tiên thực hiện theo chủ trương này. Đến năm 1997, Mường Lống xóa được cây thuốc phiện, thay vào đó là trồng giống mận tam hoa và đào không hạt.
“Đây là thời kỳ mà cuộc sống dân bản gặp rất nhiều khó khăn, vì xưa nay người Mông chỉ biết trồng thuốc phiện để bán lấy tiền, mà cây mận thì 4 - 5 năm mới cho quả. Thêm vào nữa, lúc này đường vào Mường Lống hãy còn khó khăn nên trồng xong cũng không biết bán cho ai. Cũng vì vậy, công cuộc vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện để trồng các loại cây khác phải tiến hành hàng năm trời mới xong”, ông Và Nỏ Vừ - nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lống kể.
Bản Trung Tâm, bản Mường Lống 1, Mường Lống 2 tham gia trồng mận tam hoa đầu tiên, với tổng diện tích lên đến 23ha. Hợp thổ nhưỡng, sau 4 năm trồng, cây mận ra hoa rồi đậu quả và bắt đầu cho thu hoạch. Mùa đầu tiên dẫu chưa nhiều quả nhưng ngọt lịm. Người Mông trong các bản hái bỏ gùi đem ra chợ Huồi Tụ, chợ Mường Xén bán về xuôi, người mua tấm tắc khen ngon. Năm 2003, mỗi gốc mận thu hoạch được khoảng 50 - 60kg, giá mận bán được 2.000 đồng/kg, bà con vui mừng phấn khởi.
Năm 2012, tuyến đường nhựa vào Mường Lống hoàn thành, xe khách chạy từ thành phố Vinh vào trung tâm xã, mỗi ngày một chuyến lên xuống. Thương lái chạy xe tải vào tận bản tranh mua. Giá mận cũng từ đó được tăng lên, người dân phấn khởi mở rộng diện tích. Đến nay diện tích trồng mận tam hoa được mở rộng lên thành 65ha, cùng với cây đào, gà đen trở thành những đặc sản của Mường Lống.
Mùa mận “chua”
Mùa mận tam hoa ở xã Mường Lống bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5 và kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Hàng năm xã Mường Lống cung cấp ra thị trường khoảng trên dưới 50 tấn quả. Mận Mường Lống to, giòn, ngọt lại được trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được nhiều người ưa thích.
Những năm trước, mận còn xanh đã có người từ miền xuôi đánh ô tô về mua tại vườn. Quả còn xanh họ vẫn mua, giá 25.000 đồng/kg, rồi 15.000 đồng/kg . Có thêm thu nhập, bà con phấn khởi. Trong xã, đã có nhiều nhà thu khá tiền hơn làm rẫy nhờ trồng mận. Anh Hờ Bá Rê, một người dân ở bản Mường Lống 2 trồng được 0,5 ha mận, hàng năm thu hoạch cả tấn quả thu về gần 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên quả mận bé. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ mận gặp nhiều khó khăn.
“Bây giờ sang tháng 6, đang giữa mùa nhưng không thấy bóng dáng thương lái đến thu mua, họ bảo do dịch Covid-19 nên vận chuyển đi rất khó. Dân bản hạ giá xuống 10.000 đồng/kg vẫn không bán được. Mận chín rụng đầy gốc” - anh Rê ngậm ngùi.
Còn nhà anh Và Bá Lỳ, vườn mận hàng trăm gốc đang chín rộ. Anh mong nhất là cái xe ô tô của tư thương đến thu mua. Dù có rẻ một chút cũng được. Ngày nào cũng phải chở ra chợ bán thì chẳng bõ công, lại không chở hết được lượng quả lên đến gần chục tấn.
Cùng với gia đình anh Rê, anh Lỳ, hàng chục hộ dân ở các bản Mường Lống 1, Mường Lống 2 cũng đang hết sức lo lắng khi mùa mận đang kỳ chín rộ nhưng không tiêu thụ được. Bà con cho biết, một phần do dịch Covid không có người mua, một phần do thời tiết mưa lớn nên nhiều cây đã rụng quả, thiệt hại không nhỏ.
“Có những năm mất mùa thì được giá, và năm được mùa thì giá bán xuống đến 1.000 đồng/kg cũng không ai mua. Tuy nhiên, năm nay đã không được mùa giá cũng mất luôn mà người mua cũng không thấy. Sau vài ngày nữa, mận sẽ chín rụng đầy vườn!”. Ông Hờ Bá Khù - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lống
Những quả mận tam hoa ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương bên ngoài nên rất bấp bênh.
Ngoài việc mất giá, vắng bóng người mua thì tại Mường Lống, trong 65ha trồng mận có 23ha được trồng từ những năm 1997, 1998. Hơn 20 năm, những cây mận già đi, bị sâu bệnh theo đó sản lượng bị giảm sút, quả nhỏ và chát hơn. Những diện tích còn lại được nhân giống ngay tại địa phương bằng cách chiết cành hoặc đúc hạt cũng bắt đầu bị thoái hóa. Năng suất và chất lượng quả bị giảm, tư thương ép giá, không ít người dân muốn phá bỏ, hoặc bỏ bê không chăm sóc.
Những năm gần đây, nhờ khí hậu mát mẻ vào mùa Hè, sương mù bao phủ vào mùa Đông, cùng với những đồi hoa mận, hoa đào, những cánh đồng hoa cải vàng… Mường Lống trở thành điểm đến yêu thích của không ít đoàn khách du lịch. Nhiều ý tưởng dựa vào cây mận để đầu tư xây dựng các homestay, farmstay phục vụ du khách, tăng thu nhập cho người dân đang được khảo sát để triển khai. Bảo tồn cây mận kết hợp với du lịch sẽ là hướng đi mới cho “cây xóa đói” nơi cổng trời huyện Kỳ Sơn này.
Những ngày gần đây, để giải cứu mận tam hoa Kỳ Sơn, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hỗ trợ tiêu thụ mận tam hoa cho bà con nông dân huyện Kỳ Sơn bằng cách giới thiệu, bày hàng tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghệ An, với giá bán 18.000 đồng/kg.