“Giáo dục đại học - Thách thức và cơ hội” là chủ đề Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về thực trạng giáo dục đại học hiện nay; những tồn tại, khó khăn và thách thức. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo Nghị quyết và Luật Giáo dục của Quốc hội; việc tăng ngân sách cho giáo dục đại học và hoàn thiện khung pháp lý cho tự chủ đại học để giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn mới có thể hoàn thành sứ mạng của mình.

Chuyển mình ngày càng mạnh mẽ

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, giáo dục đại học thời gian qua đã thực sự có quá trình chuyển mình ngày càng mạnh mẽ để đáp ứng kỳ vọng của xã hội, của Đảng, của Nhà nước, của mỗi một người dân về giáo dục đại học.

Trong đó, điểm nhấn đầu tiên là càng ngày càng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật để có hành lang pháp lý đủ để giáo dục đại học vừa mở rộng quy mô, nhưng phát triển đúng hướng và từng bước vững chãi. Luật Giáo dục sửa đổi qua các lần, đặc biệt năm 2012 chúng ta có Luật chuyên ngành về giáo dục đại học và được sửa đổi năm 2018, nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đã được tháo gỡ bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

mai-hoa-1666081081830-1666089460729895586425-1666144627.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Chất lượng giáo dục đại học đang từng bước được nâng lên - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Chất lượng giáo dục đại học đang từng bước được nâng lên. Hằng năm, phân hạng của giáo dục đại học Việt Nam tăng, cho thấy chúng ta đang đi những bước chắc chắn. Có một số đại học và trường đại học cũng đang tự khẳng định vị thế so với các trường trên thế giới. Đây là những điểm nhấn mà thực sự chúng ta phải ghi nhận.

"Điểm nhấn nữa là sự đổi mới trong quản trị giáo dục đại học. Đây là vấn đề mà khi đến với các trường, chúng tôi thấy thực sự đổi mới, bắt nguồn từ khâu quản trị giáo dục đại học. Việc tháo gỡ để trả lại cái gọi là tự chủ đại học đúng ý nghĩa giá trị bản thân của nó cho thấy chúng ta đã có bước đi đúng hướng, các trường đại học đang từng bước tự tin đón nhận và lớn mạnh bằng tự chủ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận xét.

Tuy nhiên, "qua thực tế giám sát chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong quá trình chúng ta tháo gỡ bất cập trong hệ thống quy định pháp luật về giáo dục đại học, càng gỡ thì càng thấy khó, nảy sinh ra vấn đề ở luật này luật kia. Đây tiếp tục là bài toán khó phải giải", bà Mai Hoa chia sẻ.

Chúng ta có bước tiến so với chính mình, nhưng chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nếu so với khu vực và thế giới thì vẫn bị bỏ quá xa. Không chỉ thua các nước tiên tiến phát triển, thậm chí chúng ta bị nước xung quanh bỏ xa. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có sự nỗ lực rất lớn.

Chúng ta mở rộng quy mô nhưng việc này vẫn chưa hoàn toàn tương thích với chất lượng và tỉ lệ nhân lực có được qua đào tạo giáo dục đại học. So với các nước, tỉ lệ nhân lực qua đào tạo đại học của chúng ta còn thấp, chưa nói tới chất lượng, sinh viên ra trường có đáp ứng nhu cầu xã hội không lại là câu chuyện khác.

Theo bà Mai Hoa, câu chuyện tự chủ cũng lại là một vấn đề, chúng ta đang hướng tới tự chủ đại học, nhưng trong quá trình thực hiện, phải là tự chủ thực chất chứ không phải là tự chủ trên giấy tờ.

minh-son-a3-1666082109368-16660894739651050686857-1666144652.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (giữa) - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Vì sao tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam lại thấp?

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lý giải 3 nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Thứ nhất, trong quan hệ thị trường, nhu cầu của thị trường kinh tế xã hội đối với nguồn nhân lực trình độ cao tính từ đại học, sau đại học chưa như các nước khác. Yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, chúng ta nhìn thấy quy mô đào tạo đại học, sau đại học thấp nhưng tỉ lệ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp nữa.

Thứ hai, do nguồn cung liên quan đến năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Năng lực hạn chế bởi nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính cũng sẽ bó hẹp khiến không tăng nhanh số lượng được. Đồng thời, chính chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều, mặc dù nhiều biến chuyển, nhiều thành tích thời gian qua nhưng chúng ta còn phải suy nghĩ rất nhiều về vấn đề chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Thứ ba, là vấn đề người học, họ luôn cân nhắc lợi ích giữa chi phí với lợi ích đạt được. Lựa chọn trường này hay trường kia, trong nước hoặc ngoài nước, thậm chí là đi học hay không đi học. Và đặc biệt, nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng không thể tăng được.

Cả 3 yếu tố này liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng nhìn chung, nguồn lực phát triển giáo dục đại học chưa tương xứng với yêu cầu phát triển quy mô và chất lượng.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong một vài năm vừa qua, điều đáng mừng là số lượng và chất lượng học đại học tăng tốt. Giai đoạn 7, 8 năm trước 2019, 2020, số lượng, quy mô học đại học không những không tăng mà còn giảm, nhưng 2 năm gần đây quy mô vào đại học lại tăng khá. 

Liên quan đến các ngành học, một số ngành học truyền thống ở ngay cả trường truyền thống nhưng do nhu cầu xã hội thay đổi, yêu cầu của thị trường xã hội đã khác nên ngành học thiếu hấp dẫn hơn. Có những ngành như công nghệ thông tin những năm gần đây nhu cầu rất lớn nhưng năng lực các trường không đáp ứng được về quy mô. 

"Chúng ta biết giáo dục đại học là lĩnh vực dịch vụ đặc biệt, người học là khách hàng đặc biệt, không thể nhận được sản phẩm ngay mà sau 4-5 năm, thậm chí nhiều năm nữa mới đánh giá được chất lượng. Trường truyền thống có đổi mới mạnh mẽ thì ngày càng thu hút được sinh viên, nhưng cũng có trường truyền thống mà chiến lược phát triển thương hiệu không tốt cũng sẽ gặp khó. Trong khi đó, có những trường mới nếu có chính sách hợp lý thì thu hút nhiều người học. Đây là thực trạng giáo dục đại học trong thời gian qua", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lý giải.

Cần điều chỉnh tốt cân bằng cung cầu

GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ nhận định: Thực tế tỉ lệ sinh viên so với toàn dân hiện nay của Việt Nam thể hiện rất rõ cân bằng cung cầu. Có hai nguyên nhân cho vấn đề này.

ung-van-1666081741399-1666089489415995766717-1666144698.jpg
GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Thứ nhất, sức hấp dẫn của giáo dục đại học đối với thế hệ trẻ giảm sút. Trước đây, khi thi đại học,  nhiều người thi và một người đỗ, được vào đại học là một vinh hạnh rất lớn, rất hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta mở rộng và thậm chí là mở rộng quá mức nên sinh viên vào các trường đại học bây giờ không thấy háo hức như trước, học thế nào cũng vào được đại học, không vào được các trường top đầu thì sẽ vào các trường có chất lượng thấp hơn. Điều này làm giảm động lực học tập của các em học sinh. Đáng lo ngại hơn là khi các em vào trường mà không có động lực học tập thì sẽ rất khó khăn. Cùng với đó, mức lương khi sinh viên tốt nghiệp ra trường được trả quá thấp, ví dụ như ngành giáo dục mầm non vẫn chỉ trả lương trung cấp, như vậy khó có thể có cơ cấu giáo dục mầm non tốt?

Thứ hai, sức tiêu thụ các sản phẩm giáo dục đại học theo đúng nghĩa của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không cao. Vì hiện nay chúng ta vẫn tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, còn với những ngành công nghiệp cao cấp hơn vẫn chưa có các doanh nghiệp mang tính quyết định nền kinh tế như Samsung, Apple... mà chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và nếu đã là doanh nghiệp nhỏ vừa vừa thì mỗi doanh nghiệp có một nhu cầu nhân lực riêng, trường đại học khó có thể đáp ứng được. Các trường chỉ có thể đào tạo cho sinh viên các kiến thức nền tảng, cơ bản để khi đến làm tại các doanh nghiệp sẽ thích nghi tùy theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa đối với các trường đại học hiện nay là khi có ngành nghề nào đó mà dễ được tuyển dụng thì các trường sẽ “ào ào” mở lớp nhưng vì chúng ta chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên lượng nhân sự cần thiết không lớn, chỉ cần đào tạo một, hai năm ngành đó không tuyển sinh được nữa. Điều này cho thấy việc đào tạo của các trường hiện đang nhanh bị bão hòa do nền kinh tế chưa tiêu thụ hết các sản phẩm đào tạo có lượng đầu ra lớn như vậy.

Vì vậy, theo GS.TSKH Đặng Ứng Vận, chúng ta chỉ cần điều chỉnh tốt cân bằng cung cầu. Vì nếu tiếp tục mở thêm trường để tăng tỉ lệ sinh viên so với số dân thì vẫn sẽ xảy ra thách thức như hiện nay, đồng thời gây khó cho các trường cũ khi tuyển sinh. Chúng ta chỉ cần có biện pháp để tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm đào tạo, của các trường đại học thì tự khắc sẽ chuyển dịch sang mức cầu cao hơn./.