Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Tp.HCM cho hay, trước diễn biến tình hình kinh tế - chính trị thế giới trở nên phức tạp, xung đột Nga - Ukraine và những biện pháp trừng phạt tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu; trực tiếp là giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao. Tại Mỹ, lạm phát lên đến 8,5% cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu hay tại châu Âu, lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Trước tình hình đó, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng nước ta khi đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát thì phải sử dụng, nếu không cứ điều chỉnh giá xăng dầu liên tục sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa và khi đó sẽ khó kiềm chế, kiểm soát. Trong trường hợp phải sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát sẽ để lại những hậu quả tiêu cực.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định, ngay tại kỳ họp này đại biểu sẽ có ý kiến phát biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải xem xét nhanh vấn đề tăng giá xăng ảnh hưởng tới lạm phát. Theo đó cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phân tích về điều này, ông Trần Hoàng Ngân khẳng định, nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau 2 năm đại dịch lấy đi phần tích lũy của người dân. Nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ hết sức vất vả. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistic…
Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Vì giá cả lên thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đề này.
Tại phiên họp Quốc hội diễn ra ngày 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề cập tới giá xăng dầu tăng cao trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Thanh, giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển. Giai đoạn tới, Chính phủ cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 mới đây cũng khuyến nghị Chính phủ cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Theo VEPR, áp lực lạm phát đang gia tăng mạnh đặc biệt từ quý 3 năm 2022 do lạm phát toàn cầu tăng cao kỷ lục, giá cả nguyên nhiên vật liệu, năng lượng thế giới tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung, chuỗi cung ứng và giá cả năng lượng, lương thực./.