"Không bao giờ thiếu nguồn cung" 

Bất chấp việc thị trường xăng dầu trong nước mới vừa trải qua giai đoạn chao đảo do suy giảm nguồn cung, trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương - khẳng định “không bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu”. Khi được hỏi kỳ hạn tháng 5 đã tới, câu trả lời về nguồn cung xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thế nào (?), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từ chối trả lời.

Nói về dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Song, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Hãy yên tâm, lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu”.

111111-1653388044.jpeg
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thiếu nguồn cung xăng dầu. Ảnh: Quochoi

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giai đoạn tới, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

"Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao do giá cước vận tải ở mức cao, giá nhiên liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất (dầu, khí đốt, than) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ vẫn yếu, vẫn còn những khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động", ông Thanh nói.

Thuế Bảo vệ môi trường không thể giảm được nữa

Với đà tăng giá như "vũ bão" hiện nay, trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định - sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam. Do vậy, cần đặc biệt lưu tâm để có những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, việc điều hành giá xăng dầu, quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng.

"Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm nay, trong đó, bội chi ngân sách nhà nước là 216.113,6 tỉ đồng, bằng 3,43% GDP.

Dù vậy, sự đánh đổi nào cũng cần phải tính đến yếu tố bền vững và ổn định; phải cân đối giữa thu và chi ngân sách. Nếu vượt ngưỡng thì sẽ xảy ra tình trạng lạm phát, gây ra bất ổn về kinh tế", bà Sửu cho hay.

Theo vị Đại biểu Quốc hội này, việc tăng giá xăng dầu chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraina - nơi có nguồn cung xăng dầu vô cùng lớn.

"Chúng ta không chờ đợi, phải chủ động về nguồn cung và cần rà soát đánh giá lại hiệu quả của các mỏ và nhà máy lọc dầu".

Đồng thời cần giảm một số lệ phí khác cấu thành nên giá xăng dầu. Thuế Tiêu thụ đặc biệt với xăng phải tính toán để giảm, nhưng giảm như thế nào để cân bằng thu chi là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng.

Về việc có giảm thuế Bảo vệ môi trường nữa hay không vì thuế này đã giảm 50% với xăng dầu, theo bà Sửu, không thể giảm được.

"Nếu giảm nữa có nghĩa là chúng ta coi nhẹ câu chuyện về môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái. Điều này hết sức tránh vì Việt Nam đang hướng đến mục tiêu NetZero vào năm 2050", bà Sửu cho hay.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, theo bà Sửu, cần đánh giá lại tất cả nhà máy lọc dầu trong nước.

"Bây giờ không bàn đến câu chuyện Nghi Sơn vì đã được Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội và Kỳ họp bất thường của Quốc hội bàn đến.

Những khó khăn chủ quan của nhà máy lọc dầu này cần có những giải pháp khắc phục căn cơ, kịp thời để vực dậy, giữ tiến độ phát triển, tránh tình trạng phá sản hay vấn đề tiêu cực không mong muốn", bà Sửu cho hay.

Hiện mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải "cõng" 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng.

Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.