Doanh nghiệp "gồng mình" chịu lỗ
Cụ thể, Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh với xăng E5 RON 92 tăng 1.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.550 đồng/lít. Mỗi lít dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít; dầu mazut giữ nguyên giá.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 28.950 đồng/lít; RON 95 là 29.980 đồng/lít; dầu diesel 26.650 đồng/lít, dầu hỏa là 25.160 đồng/kg, dầu mazut là 21.560 đồng/kg. Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích quỹ bình ổn với các loại xăng là 100 đồng/lít, dầu diesel là 100 đồng/lít và chi quỹ bình ổn với dầu hỏa là 300 đồng/lít, dầu mazut là 33 đồng.
Thực tế, việc giá xăng dầu tăng cao lên mốc "lịch sử" làm cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu cũng đang phải "gồng" lên để kinh doanh khi giá nhập bằng giá bán, chiết khấu 0 đồng trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… Mỗi lít xăng bán ra đang lỗ 600-700 đồng. Trung bình một cửa hàng bán được 600m3 thì tháng mất 400 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Vũ Đan Phương tài xế xe khách đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm cho biết: "Hiện nay, lượng hành khách đi xe vẫn chưa nhiều và chưa thể phục hồi như giai đoạn trước khi chưa xảy ra dịch Covid-19".
"Việc giá xăng dầu tăng cao đang khiến cho các nhà xe chúng tôi lo lăng vì giá cước không được tăng, mà khách thưa vắng, nên có những chuyến nhà xe phải bù lỗ", anh Phương cho hay.
Về phía các doanh nghiệp vận tải, việc giá xăng dầu tăng cao cũng làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh vận tải, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội cho biết: "Hiện nay, doanh nghiệp vận tải vẫn đang chỉ hoạt động cầm chừng chỉ khoảng 50 - 60% các đầu xe mà doanh nghiệp có. Thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang phải "gồng mình" chịu lỗ với các chuyến xe".
"Giá xăng dầu chiếm đến 45 -50% doanh thu của doanh nghiệp vận tải, do đó, giá xăng dầu lên cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải", ông Bằng cho hay.
Lấy ví dụ về việc doanh nghiệp chịu lỗ vì giá xăng dầu, ông Bằng cho biết: "Hiện nhà xe Sao Việt đang chạy tuyến Hà Nội - SaPa, Lào Cai đang phải chịu hơn 5 triệu tiền dầu/chuyến, trong khi giá vé xe lại không được phép tăng khiến cho doanh nghiệp lỗ nặng nề".
"Hiện, Hiệp hội cũng đang dự đoán giá xăng RON 95 còn có thể tăng lên 35.000 đồng, dầu tăng lên trên 30.000 đồng, trong khi giá vé xe không được tăng. Nếu giá xăng dầu tăng lên mức này thì đúng là doanh nghiệp vận tải chưa biết có giải pháp nào để duy trì hoạt động", ông Bằng nhận định.
Cũng theo ông Bằng, hiện nay nhiều anh em lái xe đã bỏ việc để tìm công việc khác. Hiệp hội mong cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Bộ Công thương có những giải pháp căn cơ dài hạn để giúp các doanh nghiệp vận tải duy trì được hoạt động thoát qua giai đoạn khó khăn này.
Cần giải pháp căn cơ dài hạn
Cũng trao đổi với ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi cho biết: "Trong vòng 1 năm qua, tỷ lệ tài xế xin nghỉ việc chiếm tới 30 - 35% số nhân viên của hãng. Nguyên nhân là do giá xăng dầu, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người lao động".
"Giá xăng dầu chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành vận chuyển, hoạt động vận tải giao động từ 30 - 40% tuỳ vào từng loại xe. Với việc giá xăng dầu tăng cao như ngày hôm qua, rõ ràng tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp "khó khăn chồng khó khăn". Đây cũng là vấn đề mà anh em lái xe, doanh nghiệp đang lo ngại", ông Quân cho hay.
Theo ông Quân, mặc dù, giá xăng dầu tăng cao, nhưng giá cước lại không được điều chỉnh (không dám điều chỉnh), bởi điều chỉnh thì không có khách đi. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý có giải pháp căn cơ dài hạn trong 5 năm năm tới để có giải pháp giúp doanh nghiệp có hướng đi chính xác.
Cơ quan nhà nước không thể để doanh nghiệp mạnh ai người ấy làm, mỗi doanh nghiệp đi theo 1 hướng khách nhau, vì vậy cần có giải pháp về vốn, chi phí vận tải, bảo hiểm xã hội, thuế. Đây là giải pháp mà Bộ GTVT, Chính phủ cũng cần lắng nghe các doanh nghiệp vận tải, hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp dài hạn, chứ không chỉ là giảm phí, giảm thuế nhiên liệu theo kiểu nhỏ giọt thì không giải quyết được vấn đề gì.
Được biết, trong thời gian vừa qua, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã có nhiều đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ Công Thương xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu nhất là các loại thuế phí như thuế môi trường để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu giúp doanh nghiệp vận tải và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa sử dụng nhiều nguyên liệu xăng dầu ổn định sản xuất, vượt qua thời điểm khó khăn này.
Các cơ quan chức năng cũng cần tính toán xem xét xem việc tiếp tục thu thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong thời điểm này có phù hợp hay không. Bởi gián xăng dầu tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vận tải đã khó khăn càng khó khăn hơn./.