Trước đó, Tổ công tác đã làm việc với huyện Quỳ Châu và một số xã trên địa bàn huyện; làm việc với Sở NN&PTNT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh.
Chủ động, kịp thời ban hành quy định thực hiện các Chương trình MTQG
Theo đánh giá giá của các thành viên Tổ công tác, nhìn chung quá trình triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn đã được UBND tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện kịp thời, sớm thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản triển khai thực hiện các Chương trình theo quy định của Trung ương. Đồng thời, đã ban hành các văn bản hướng dẫn của tỉnh trong thực hiện các Chương trình MTQG, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đối với từng Chương trình.
Đến hết ngày 31/5/2023, trong tổng số 10 nhóm nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của địa phương phải ban hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP có 08 nhóm nhiệm vụ tỉnh đã hoàn thành; 01 nhóm nhiệm vụ đang được các cấp, các ngành xây dựng và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền quyết định; 01 nhóm nhiệm vụ dự kiến không ban hành (Cơ chế huy động nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình MTQG theo quy định có thể ban hành nếu có).
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 03 chương trình MTQG được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 là hơn 4.900 tỷ đồng. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án chi tiết cho các dự án thuộc 03 Chương trình MTQG 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn, nhất là đối với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG yêu cầu các địa phương ban hành rất nhiều quy định thuộc thẩm quyền song có nhiều quy định phải đợi Trung ương có văn bản hướng dẫn, đặc biệt có một số quy định địa phương chưa có tiền lệ triển khai thực hiện. Hơn nữa, việc quy định giao cho địa phương ban hành các nội dung trên sẽ dẫn đến mỗi địa phương có quy định khác nhau, không thống nhất trong phạm vi cả nước.
Đến giữa năm 2022, Thủ tướng Chính phủ mới có Quyết định giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, khi đó, các địa phương mới có cơ sở để triển khai. Trong khoảng thời gian ngắn, số lượng văn bản hướng dẫn rất lớn, khối lượng công việc cần triển khai rất nhiều, công tác triển khai thực hiện cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp; do đó công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp vẫn còn nhiều lúng túng.
Mặt khác, các dự án đề xuất chủ yếu là dự án khởi công mới, nhất là các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, cần mất nhiều thời gian nên đã ảnh hưởng đến việc bố trí vốn chi tiết để triển khai thực hiện...
Ngoài ra, tại buổi làm việc, các đại biểu cũng trao đổi về việc triển khai lồng ghép thực hiện các Chương trình MTQG; việc đề ra các tiêu chí khi lựa chọn triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần; giải ngân vốn các Chương trình; mô hình quản lý, điều hành, chỉ đạo triển khai thực hiện...
Từ thực tiễn quá trình triển khai, tỉnh đề nghị Tổ công tác tổng hợp đề xuất, kiến nghị của Nghệ An để có ý kiến đề xuất đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định và hướng dẫn tỉnh triển khai. Cụ thể, tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP theo hướng bỏ các quy định bắt buộc địa phương ban hành các cơ chế, chính sách và các quy định thực hiện các dự án đặc thù thuộc các chương trình MTQG; tùy thuộc vào điều kiện thực tế của các địa phương (nếu có dự án đặc thù) để triển khai bảo đảm chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện chương trình. Đồng thời, đề nghị các Bộ: TT&TT, NN&PTNT, LĐTB&XH, Tài chính và Ủy ban Dân tộc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các nội dung mà tỉnh cũng như các địa phương trên cả nước còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định, các Chương trình MTQG có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai với hệ thống văn bản đồ sộ dẫn đến rất khó trong việc áp dụng thực hiện các Chương trình.
Với Nghệ An, tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn... Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung ương có hướng dẫn rõ, cụ thể, nhưng rút gọn về quy trình, có hệ thống văn bản chỉ đạo chung thay vì các Bộ, ngành ra văn bản hướng dẫn riêng như hiện nay để các địa phương thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Tổ công tác, đồng chí Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Nghệ An và đạt được những kết quả nhất định.
Tỉnh Nghệ An là tỉnh thụ hưởng đầy đủ 03 Chương trình MTQG. Thời gian qua, tỉnh đã chủ động ban hành văn bản theo thẩm quyền để tạo khung pháp lý thực hiện các Chương trình. Công tác tuyên truyền về các nội dung, nhiệm vụ của các Chương trình MTQG được triển khai tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân...
Trao đổi về những vấn đề được các đại biểu nêu ra tại buổi làm việc, qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung để hoàn thiện báo cáo, Tổ công tác sẽ tổng hợp đầy đủ, chuyển đến Đoàn Giám sát để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và gửi đến các Bộ, ngành, Trung ương có liên quan. Đồng chí mong muốn và đề nghị Tỉnh sẽ cố gắng để thực hiện tốt các Chương trình MTQG trên địa bàn cũng như thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần và kỳ vọng của Bộ Chính trị đặt ra, như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Nghệ An phải bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An”.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trân trọng cảm ơn các ý kiến của Tổ công tác và mong muốn kết quả giám sát lần này sẽ giúp tỉnh Nghệ An nói riêng cũng như các địa phương trong cả nước tháo gỡ được những điểm “nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Theo Phan Quỳnh - nghean.gov.vn