Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 tỉnh Nghệ An khi đề cập đến giải pháp phòng, chống dịch Covid -19 trên địa bàn, sau khi có ý kiến của đại biểu liên quan đến nội dung này tại phiên thảo luận hội trường vào chiều 12/8 trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.
Từ ngày 16/6 đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 443 trường hợp mắc Covid -19. Hiện tại các ổ dịch cũ trên địa bàn thời gian vừa qua như ở TP. Vinh, Diễn Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Yên Thành, Quỳnh Lưu cơ bản đã kiểm soát ổ dịch.
Tuy nhiên, Nghệ An là địa bàn rộng, có cả đường không, đường sắt, đường bộ nên tính chất rất phức tạp. Trong khi đó, thời gian vừa qua, đặc biệt là 2 tuần gần đây số lượng công dân từ các tỉnh có dịch về địa bàn Nghệ An rất lớn và đã xuất hiện 150 trường hợp F0 trong số công dân trở về.
Nghệ An là địa phương mà đại bộ phận người dân có tinh thần phòng, chống dịch rất cao. Nhưng bên cạnh đó, còn bộ phận nhỏ người dân ý thức chưa được tốt, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Phân tích hiện trạng, chỉ ra các nguy cơ đối với Nghệ An, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã nêu lên một số giải pháp chính về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An nhấn mạnh quan điểm vẫn phải tiếp tục kiên định, kiên trì với chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 3 định hướng hết sức quan trọng gồm: “5K + vắc-xin”, an toàn Covid với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, Nghệ An còn thực hiện rất hiệu quả phương châm: “Kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và dựa vào dân”.
Cùng với đó, PGS.TS Dương Đình Chỉnh nhấn mạnh bài học cần phải có sự thống nhất cơ chế lãnh đạo. Thời gian vừa qua, từ cấp tỉnh đến cơ sở ở Nghệ An đã thực hiện rất tốt nội dung này với sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu; đồng thời dựa vào sức mạnh của người dân.
Thời gian tới, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 tỉnh đề nghị: Các địa phương cần triển khai các kịch bản phòng, chống dịch bệnh phù hợp điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh, cũng như của từng địa phương.
“Cuộc chiến chống dịch đang kéo dài, chúng ta phải trường kỳ kháng chiến”, Giám đốc Sở Y tế nói và nhấn mạnh, tùy tình hình từng địa bàn mà có giai đoạn tấn công, giai đoạn phòng thủ; song khi xây dựng kịch bản từng địa phương phải đảm bảo được hai nguyên tắc là linh hoạt và khoa học. Đặc biệt, những địa phương đang ở vào giai đoạn phòng thủ cần xây dựng kịch bản phòng thủ thật vững chắc.
Liên quan đến thực hiện “4 tại chỗ”, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đánh giá đây là việc được nhắc rất nhiều nhưng một số địa phương, ngành thực hiện còn lúng túng nhất định.
PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trong thực hiện “4 tại chỗ”, các địa phương phải tính đến các tình huống xấu để chuẩn bị nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý các khu cách ly, đảm bảo an ninh trật tự; các điểm cách ly; các phương tiện, vật tư, hóa chất. Muốn vậy, các địa phương phải thực sự chủ động, vào cuộc một cách quyết liệt, đặc biệt là của người đứng đầu và phải giao trách nhiệm một cách cụ thể.
Đồng thời, các địa phương phải phát huy được sức mạnh của người dân, nhất là phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát theo hướng sát với các nhiệm vụ cụ thể, riêng ngành Y tế đã thành lập 6 đoàn thường xuyên kiểm tra để cùng với các địa phương kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Cùng với đó phải xử lý nghiêm minh các sai phạm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Đối với ngành Y tế, đồng chí Dương Đình Chỉnh khẳng định: Ngành đã chuẩn bị sẵn các kịch bản như: lấy mẫu, xét nghiệm, các phương án điều trị;…
Liên quan đến ý kiến của đại biểu về cách ly tập trung hay tại nhà sau khi có Công văn số 6386/BYT-MT về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch Covid-19, trong đó có phương án có thể cách ly tại nhà, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 của tỉnh quyết định vẫn tiếp tục duy trì việc cách ly tập trung đối với công dân trở về từ vùng dịch.
Nguyên nhân là diễn biến dịch rất phức tạp, đặc biệt các tỉnh phía Nam, trong khi đó thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy lượng người từ phía Nam trở về mắc Covid-19 nhiều, nhưng nhờ cách ly tập trung đã kịp thời phát hiện và hạn chế tối đa lây lan ra cộng đồng. Mặt khác, việc cách ly tập trung giai đoạn này là cần thiết vì qua thực tế cho thấy ý thức một bộ phận nhỏ công dân còn thấp, còn lén lút đưa người từ vùng dịch về như vụ việc tại TX Hoàng Mai, Anh Sơn vừa được phát hiện.
Để chia sẻ với công dân cách ly tập trung, nhất là về kinh phí xét nghiệm, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có chính sách miễn phí cho người nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, cách ly tập trung cũng giúp giảm áp lực vốn đã rất lớn với đội ngũ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; đồng thời cũng tiết kiệm cho công dân khi xét nghiệm gộp so với xét nghiệm từng người nếu cách ly tại nhà.
Về tiêm vắc-xin Covid-19, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tỷ lệ cả nước hiện đạt 9,9%, còn Nghệ An đạt khoảng 2,08%. Theo kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế, thời gian tới sẽ triển khai trên diện rộng, vì vậy các địa phương cần thành lập ban chỉ đạo. Hiện nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tiêm vắc-xin tuyến tỉnh.