Theo dữ liệu của Trading Economics rạng sáng 29/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI có lúc áp sát ngưỡng 115 USD/thùng. Như vậy, so với mức thấp trong tuần (108 USD/thùng vào ngày 24/5), giá đã tăng hơn 5%.

Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 119,4 USD/thùng. So với mức thấp trong tuần qua (111,7 USD/thùng hôm 24/5), giá dầu chuẩn quốc tế đã tăng khoảng 5%. Giá của cả 2 loại dầu đều chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 3.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước đã có 10 lần tăng, tương đương mức tăng 6.741-6.774 đồng/lít, tuỳ loại. Ngày 23/5, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm gần 700 đồng/lít, đưa giá xăng E5 RON 92 và RON 95 lên mức cao nhất lịch sử là 29.630 đồng/lít và 30.650 đồng/lít.

04bf9a1e6a5c8302da4d-1653799014.jpg

Dự báo tiếp tục tăng

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 tiếp tục tăng so với ngày 23/5 ở mức 142,44 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 150,62 USD/thùng...

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển đến ngày 27/5 ở mức 154,26 USD/thùng đối với xăng RON 95 và 146,08 đối với xăng E5 RON 92. So với 10 ngày trước giá bán xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 350-850 đồng/lít.

Theo đó, giá bán xăng trong nước ngày 1/6 sẽ tăng khoảng 350-850 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 có thể vượt 31.000 đồng/lít. Tuy nhiên, từ nay đến ngày 1/6, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng trong nước sẽ không dừng ở mức tăng đó.

Tương tự, trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại miền Bắc cho biết xu hướng giá xăng kỳ điều hành tới có thể tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp. Còn giá dầu sau đợt giảm kỳ trước cũng sẽ tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 1/6.

Theo vị lãnh đạo trên, sau kỳ điều hành tăng ngày 23/5, chiết khấu ở mức khá thấp. "Đơn cử ngày 27/5, tại miền Bắc mức chiết khấu xăng là 400-500 đồng/lít, dầu là 1.100-1.200 đồng/lít; miền Nam chiết khấu xăng ở mức 350-400 đồng/lít, dầu ở mức 1.050-1.100 đồng/lít...", vị này nói.

4d6a38213706f858a117-1653799040.jpg
Giá xăng dầu thế giới tăng cao tiếp tục tạo áp lực cho giá xăng dầu trong nước. Ảnh: Chí Hùng.

"Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu"

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 25/5, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chỉ số CPI tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tháng 4 đã tăng 2,09% so với cuối năm 2021. Ông cho rằng lạm phát từ cuối 2021 đến nay đã tăng gấp 2 lần cùng kỳ giai đoạn 2018-2021 là "con số rất báo động".

Ông đánh giá Việt Nam chưa có giải pháp căn cơ chiến lược về xăng dầu, chưa có sự chuẩn bị nguồn cung ứng và giá cả. Lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam rất bị động, không đảm bảo chiến lược lâu dài.

Trước bối cảnh hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng Quốc hội, Chính phủ, cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu.

“Cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, hay thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì đánh trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu”, ông Ngân nêu quan điểm.

Vị đại biểu TP.HCM đề nghị Quốc hội nên dành một buổi để bàn nội dung này, bởi nếu không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ tạo hiệu ứng domino tăng giá các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân”, ông Ngân nhấn mạnh.

2927ac0c5ab696e8cfa7-zing-1653799073.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu trong bối cảnh giá tiếp tục tăng cao. Ảnh: Chí Hùng.

Trong bối cảnh quỹ bình ổn âm nặng, giá xăng dầu kỳ điều hành tới dự báo tiếp tục tăng, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc giảm thêm các loại thuế, phí, Chính phủ cần xây dựng kho dự trữ quốc gia riêng và nâng mức dự trữ xăng dầu để ổn định nguồn cung, chủ động điều tiết giá.

Trao đổi với Zing, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện cơ chế dự trữ quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên giao dự trữ cho các doanh nghiệp đầu mối.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ có đề xuất với Chính phủ đầu tư hơn về mặt tài chính, xây dựng các kho dự trữ chiến lược, tách dự trữ quốc ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối, không gửi ở doanh nghiệp nữa và can thiệp bằng thuế, phí.

"Trong bối cảnh quỹ bình ổn xăng dầu có hạn, Bộ Công Thương đã mạnh dạn đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nhưng chúng ta phải tính dài hơi, có thêm kịch bản khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn. Theo đó, nếu giá tăng lên 130-150 USD/thùng thì Bộ đề xuất tiếp tục giảm các thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT...", ông Đông nói.

Các chuyên gia quốc tế chỉ ra nhiều lý do khiến giá dầu vẫn ở đà tăng, bao gồm thị trường Mỹ bị thắt chặt và nhu cầu dầu tại Trung Quốc có dấu hiệu sẽ đi lên.

"Cả giá dầu thô Brent và WTI đều tiếp tục đi lên. Với các thương lái, mối lo ngại về việc kinh tế Trung Quốc suy thoái đang giảm dần. Cùng với đó là niềm tin rằng thị trường dầu diesel của Mỹ vẫn ngày càng thắt chặt", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Asia Pacific OANDA (có trụ sở ở Singapore) - nhận định với Zing.

Cùng với đó, theo ông Halley, việc Washington không loại trừ khả năng đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu cũng khiến các thị trường quốc tế lo ngại./.