nguoinghe.vn
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vận động xã hội hóa để cải tạo toàn bộ dãy phòng học cũ với kinh phí dự kiến vận động là hơn 2,5 tỷ đồng. Ảnh: Báo Nghệ An

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trao đổi trên Báo Nghệ An điện tử ngày 21/2 vừa qua, thầy giáo Phan Xuân Phàn - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: Hiện nhà trường mới thông qua chủ trương vận động xã hội hóa cho phụ huynh tại buổi họp phụ huynh đầu học kỳ II. Nhưng thu bao nhiêu, thu như thế nào nhà trường chưa thực hiện. Nếu trường hợp nào, giáo viên chủ nhiệm đã thu của phụ huynh là sai quy định.

Sở dĩ đến thời điểm này, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chưa thực hiện thu xã hội hóa, bởi hiện phương án thu xã hội hóa của nhà trường cho năm học 2022 - 2023 chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phê duyệt. Mặc dù vậy, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch thu với dự kiến tổng thu xã hội hóa cho năm học này là 2,5 tỷ đồng. 

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, mức vận động năm nay không cao hơn các năm trước và sẽ được dùng để sửa chữa, cải tạo nhà học và sơ sở vật chất trong Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (dãy nhà cũ đã sử dụng 20 năm với nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng) (hơn 2,6 tỷ đồng).

Ngoài ra, sử dụng để cải tạo hệ thống điện nhà trường (300 triệu đồng), đóng trần, làm điện phòng họp lãnh đạo, phòng hiệu trưởng (100 triệu đồng). Nhà trường cũng sẽ dùng hơn 500 triệu đồng để trả nợ công trình cải tạo, nâng cấp và xây mới Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (công trình cũ đã hoàn thành). Trong số tổng chi dự kiến hơn 3,6 tỷ đồng của trường, có hơn 1,1 tỷ đồng là số tiền xã hội hóa thu từ năm học trước chuyển sang và có 2,5 tỷ đồng dự kiến là tiền thu mới.

PV Báo Nghệ An đặt câu hỏi: Nếu “cào bằng” tối thiểu cho hơn 2.300 học sinh toàn trường thì mỗi học sinh ít nhất phải nộp tiền xã hội hóa hơn 1 triệu đồng/em, thầy Phan Xuân Phàn trả lời: Trước khi thực hiện thu xã hội hóa, nhà trường đã thực hiện nhiều bước từ rà soát cơ sở vật chất, có sự thẩm định của UBND thành phố, lập dự toán và trình phương án xin thu xã hội hóa với Sở Giáo dục và Đào tạo.

Toàn bộ số tiền xã hội hóa thu về sẽ được nộp lên kho bạc và thực hiện thu - chi theo đúng quy định. Hiện nhà trường đang dự kiến thu nhưng phải có sự bàn bạc, thống nhất và ủng hộ của phụ huynh. Không thực hiện hình thức cào bằng và có chính sách miễn, giảm đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo.

Giải thích cho việc thu tiền xã hội hóa, thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh) nói: Nếu thực hiện chi trả tất cả các khoản nợ xây dựng và xây dựng mới, năm nay Trường cần huy động hơn 13 tỷ đồng và để đủ số tiền này chúng tôi đang còn phải vận động trong nhiều năm. Nhà trường cũng sử dụng các nguồn khác như ngân sách tiết kiệm, nguồn học phí, nguồn dạy thêm, học thêm... nhưng mỗi năm cũng chỉ huy động được khoảng 700 triệu đồng.

Khó khăn hiện nay, đó là các công trình xây dựng mới, dù có Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng phần còn lại các nhà trường phải thực hiện vốn đối ứng. Nếu không huy động xã hội hóa thì nhà trường cũng không biết nhìn vào đâu để sửa chữa, xây dựng trường lớp...

Cũng trả lời trên Báo Nghệ An,  bà Võ Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An) cho biết: Những năm gần đây, các văn bản quy định về thu chi trong trường học được ngành Giáo dục thực hiện nghiêm túc nên phần lớn các trường trước khi thực hiện các khoản thu, trong đó có khoản thu xã hội hóa đều làm đúng theo quy định và đây là khoản thu được cho phép.

Về phía ngành Giáo dục, để hạn chế việc thu, Sở cũng đã đưa ra quan điểm trong phê duyệt xã hội hóa, đó là chỉ phê duyệt các công trình như sửa chữa các phòng học, nhà vệ sinh, mua sắm thêm một số thiết bị dạy học và không được sử dụng nguồn xã hội hóa để mua sắm các thiết bị dạy học tối thiểu. Quá trình triển khai, các trường tuyệt đối không được thu theo cào bằng, không được thu tối đa, tối thiểu mà phải có sự bàn bạc giữa phụ huynh và nhà trường, tùy thuộc vào điều kiện của phụ huynh, học sinh, tùy thuộc vào điều kiện địa phương.

Theo các văn bản hướng dẫn, việc thu xã hội hóa phải được thực hiện theo 5 bước và có sự giám sát, công khai các khoản đã thu và các khoản dự định thu để phụ huynh cùng biết, bàn bạc.

Vấn đề hiện nay, ở các nhà trường đó là cần cân nhắc phải thu thế nào cho hài hòa, công trình nào cần ưu tiên đầu tư, sửa chữa, công trình nào là cấp thiết. Nếu ồ ạt đầu tư, sửa chữa sẽ khiến việc xã hội hóa năm nào cũng trở thành gánh nặng cho nhà trường, cũng như gánh nặng cho phụ huynh, học sinh. Từ đây cũng nảy sinh những bất cập trong việc triển khai, tuyên truyền, vận động và dẫn đến những bất hợp lý hoặc không tránh khỏi tình trạng lợi dụng, lạm thu trong xã hội hóa...

Lê Nhung (T/h)