Gia đình anh Nguyễn Thế Dương, ở xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu là một trong 16 thành viên hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa tham gia dự án trồng cây đu đủ có sự bao tiêu sản phẩm của Công ty Cổ phần Chanh leo Naphuts. Theo đó, trên diện tích 0,5ha gia đình đã đầu tư 175 triệu đồng để cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, dẫn phân và mua khoảng 1.000 cây giống đu đủ Đài Loan của dự án về trồng. Nhờ chăm sóc bài bản, đúng quy trình kỹ thuật nên cây đu đủ của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Ước tính sản lượng đạt khoảng 80 tấn đu đủ quả để nhập cho công ty.

g-1692244615.jpg
0,5ha diện tích đu đủ của anh Nguyễn Thế Dương, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu được đầu tư 175 triệu đồng.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, phần lớn quả đu đủ đã chín rụng vàng gốc nhưng vẫn không được công ty về thu mua cho người dân. “Gần một năm chăm sóc, bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào vườn cây, giờ nhìn thấy cảnh quả đu đủ rụng đầy gốc mà không bán được, thấy xót xa lắm. Chúng tôi đề nghị HTX và công ty phải có giải pháp để giải quyết”, anh Nguyễn Thế Dương buồn bã chia sẻ:

Không riêng gia đình anh Nguyễn Thế Dương mà hiện nay 13,6ha cây đu đủ của các thành viên HTX nông nghiệp Tây Hiếu đều rơi vào cảnh tương tự. Theo tính toán của người dân, bình quân 1ha cây đu đủ cho năng suất từ 140 – 150 tấn. Với giá cam kết thu mua là 3.500 đồng/kg thì người dân thu về trên 500 triệu đồng/ha. Thế nhưng với thực tế như hiện nay, 16 hộ trồng đu đủ ở đây có nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng nếu không có hướng giải quyết.

gg-1692244636.jpg
Đu đủ đến kỳ thu hoạch nhưng không được thu mua chín thối phủ vàng gốc cây.

Anh Nguyễn Hồng Lĩnh - Thành viên HTX nông nghiệp Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) nói: “Sản phẩm làm ra đến ngày thu hoạch, ai ai cũng vui mừng phấn khởi nhưng hiện chẳng ai muốn ra ruộng vì nhìn xót xa”.

Hợp đồng cung cấp giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ số 21112022/CLNF – HTXTH giữa Công ty cổ phần Chanh leo Naphuts và HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) được ký kết ngày 21/11/2022 đã nêu rõ, công ty sẽ cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả. Tháng 7/2023 khi toàn bộ diện tích đu đủ vào vụ thu hoạch lứa đầu, đại diện HTX nông nghiệp Tây Hiếu đã liên lạc rất nhiều lần nhưng phía công tychần chừ, không có động thái thu mua nông sản. Đến ngày 19/7/2023, phía công ty có thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế (về việc cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ), với lý do là thị trường xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực từ xung đột của Nga - Ukraine.

Ngay sau khi nhận được thông báo từ phía công ty, đại diện HTX nông nghiệp Tây Hiếu đã có buổi làm việc trực tiếp với công ty tại văn phòng số 47 Nguyễn Cảnh Hoan, phường Quán Bàu, thành phố vinh Nghệ An và được đại diện công ty cho biết sẽ đưa ra phương án giải quyết và trả lời cho HTX vào ngày 3/8/2023. Tuy nhiên, cho đến ngày 16/8/2023 công ty vẫn chưa đưa ra bất kỳ giải pháp nào.

ggg-1692244660.jpg
Người dân xót xa về thành quả sau thời gian đầu tư công sức vun trồng.

Đến thời điểm này đã có 4 – 5 lứa đu đủ ở mỗi cây đã chín và rụng thối vàng gốc, bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Người trồng hoang mang và bức xúc.

Ông Nguyễn Quang Trung – Giám đốc HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa cho biết: Họ không thu mua với lý do đưa ra là do chiến tranh giữa Nga và Ukraine nhưng tại thời điểm ký kết hợp đồng chiến sự đang diễn ra. Hợp tác xã tha thiết mong muốn và đề nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ về mặt pháp lý.

ww-1692244691.jpg
Nếu không có giải pháp thoả đáng, người dân trong dự án có nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng.

Theo tính toán của người trồng, bình quân 1ha đu đủ người dân đầu tư hết 340 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch, Công ty Cổ phần Chanh leo Naphuts lại tự động chấm dứt bỏ hợp đồng, phủi sạch trách nhiệm. Hơn lúc nào hết, các thành viên HTX nông nghiệp Tây Hiếu cần một câu trả lời thỏa đáng từ phía công ty cổ phần Chanh leo Naphuts để bà con có hướng canh tác.