ui-1728272038.PNG
Dù đã rất nỗ lực nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Kỳ Sơn vẫn ở mức cao với 49,68%

Vì những khát vọng giảm nghèo

Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III năm 2019, công tác giảm nghèo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kỳ Sơn. Đây cũng là lý do, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của huyện đều hướng đến mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Giai đoạn 2019-2024, tổng kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc của huyện đạt gần 2.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn, là “đòn bẩy” quan trọng để “vực” dậy những bản làng xa xôi nghèo khó, những hộ gia đình khó khăn, vất vả. Song song đó, cả hệ thống chính trị huyện Kỳ Sơn đã cùng vào cuộc, “ba cùng, bốn bám” với bà con dân bản trên mặt trận "đuổi nghèo".

Từ nguồn vốn chính sách dân tộc này, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo thực hiện đầu tư đồng bộ và chú trọng, lồng ghép các nguồn vốn để nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình phục vụ dân sinh các mô hình sinh kế bền vững nhằm từng bước giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. 

Nhờ những tác động tích cực và hiệu quả từ việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế- xã hội đối với đồng bào DTTS, các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, với sự giúp đỡ, đồng hành của các cấp ngành... đã góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào các DTTS đối với việc thay đổi phương thức canh tác, phát huy lợi thế sẵn có của từng địa phương trong công tác xóa nghèo.

Nhờ đó đến nay, toàn huyện đang có khoảng 150 mô hình phát triển kinh tế hộ và trang trại cho thu nhập khá và hiệu quả. Các mô hình được xây dựng, hình thành từ khai thác những lợi thế về tự nhiên để tập trung phát triển chăn nuôi và tổng hợp, với mức thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/mô hình.

k-1728272067.PNG
Mô hình trồng đào ở xã Na Ngoi đang góp phần tăng thu nhập cho người dân


Đã nhiều lần lên Kỳ Sơn, nên giờ đây chúng tôi không còn bất ngờ khi chứng kiến mô hình nuôi dê, bò và trồng rừng của ông Moong Văn Chun ở bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn. Trên khoảnh đất nhận khoán để trồng rừng, ông Chun cho xây dựng khu vực nuôi thả dê và bò. Mỗi năm, nguồn thu từ mô hình cũng đã đạt được trên 150 triệu đồng.

Hay như hộ ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống với mô hình trồng đào, trồng rừng, chăn nuôi gà đen, lợn đen và bò… Ông Pó cười: Mỗi năm nhà ta cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng đấy. Có sẵn đất đai, lại được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ban đầu, mình mạnh dạn thực hiện đầu tư chăn nuôi và trồng trọt thì sẽ đuổi cái nghèo nhanh thôi.

Bắt đầu từ vài hộ dân mạnh dạn phát triển kinh tế hiệu quả, đã lan tỏa, tạo thành phong trào phát triển kinh tế cho nhiều hộ, nhiều bản. Cứ thế, đồng bào DTTS Kỳ Sơn, khắc chế khó khăn, mạnh dạn đổi mới, thay đổi tư duy… vì mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh đó, những năm qua, từ nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân đã được giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận là hơn 6.786,49ha. Theo đó, diện tích nhiều loại cây có giá trị cao, như chè tuyết shan, gừng, dược liệu… đã tăng hơn so với đầu nhiệm kỳ.

Tính đến nay, diện tích trồng chè Tuyết shan toàn huyện là 815ha, diện tích cây gừng 510ha tăng 49ha so với năm 2019, diện tích lúa vụ mùa đạt 850ha. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi là một lợi thế ở Kỳ Sơn. Hiện nay, toàn huyện có tổng đàn trâu là 11.740 con, tăng 22,88%, đàn bò là 47.290 con, tăng 18,52%, đàn lợn là 38.310, tăng 53,24%....

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phấn khởi thông tin, trong những năm qua, kinh tế ngày càng tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng dần theo hằng năm, năm 2023 đạt 24,7 triệu đồng/năm (tăng 3,8 triệu đồng/năm so với năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 3 - 5%, hiện chỉ còn 49,68%. Kết quả này, là sự đầu tư, hỗ trợ hiệu quả của các chính sách dân tộc dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực lớn của mỗi người dân, với mong muốn đuổi được cái nghèo.

kk-1728272095.PNG
Giống gà đen bản địa được ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống nuôi hiệu quả trong trang trại tổng hợp của gia đình

Cần những giải pháp dài hơi

Kỳ Sơn là huyện có diện tích lớn thứ 2 ở Nghệ An, nhưng địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, với hơn 98% diện tích đất dốc. Ngoài ra, khí hậu nơi đây vô cùng khắc nghiệt với hai mùa mưa và khô. Vào mùa mưa thường kéo theo thảm họa của những trận lũ quét và sạt lở đất. Cũng vì điều kiện ấy mà 191 khối, bản trên toàn huyện, thì 171 trong số đó nằm ở diện đặc biệt khó khăn.

Những điều kiện tự nhiên ấy, cùng với một phần từ nhận thức, suy nghĩ của một bộ phận người dân khiến cho kinh tế phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tuy có giảm những vẫn còn cao…

Nhận diện đúng, đủ những khó khăn, thách thức, cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các DTTS huyện Kỳ Sơn xác định, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; khai thác tiềm năng lợi thế, tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách dân tộc để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo nhất là trong giai đoạn 2024-2029.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã chia sẻ nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng trong giai đoạn tới. Đó là nâng tốc độ tăng giá trị sản xuất lên 7 - 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 - 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm 3% - 5%; phấn đấu xây dựng 6 xã, 60 bản đạt chuẩn nông thôn mới; 80% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; mỗi năm giải quyết việc làm cho 2.000 người; 100% xã có bác sĩ công tác…

l-1728272130.PNG
Thiên tai khắc nghiệt với mưa bão, lũ quét cũng là nguyên nhân khiến cho công tác giảm nghèo ở Kỳ Sơn khó khăn hơn. (Trong ảnh: Bản làng ở xã Tà Cạ tan hoang vì trận lũ lịch sử cuối năm 2022)

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe tâm sự: Những chỉ tiêu ấy là những bước đi lớn, không dễ dàng gì với vùng đất nghèo khó bậc nhất cả nước. Từ thực tiễn công tác dân tộc thời gian qua trên địa bàn, huyện cũng nhận thấy, cần phải triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi và đồng bào DTTS; mà trong giai đoạn hiện nay thì cần triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG.

Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS gắn với tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, từng bước hạn chế việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp khép kín chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm; xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân, đặc biệt là cho đồng bào DTTS.

Với những giải pháp và sự quyết tâm của huyện Kỳ Sơn, càng thêm tin tưởng vào một nhiệm kỳ mới của Đại hội Đại biểu các DTTS huyện với những chỉ tiêu, kết quả vượt bậc. Mặc dù, theo lời của nhiều lãnh đạo qua các thời kỳ cho rằng: Kỳ Sơn chỉ cần đảm bảo đủ 3 yên (yên biên giới, yên địa bàn, yên dân) để phát triển kinh tế - xã hội cũng đã là một nỗ lực lớn, thành công lớn.