Những nỗ lực ban đầu
Những năm gần đây, huyện Kỳ Sơn đã dựa vào tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch, góp phần giảm nghèo bền vững. Nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã biết đến các mô hình du lịch ở huyện vùng cao biên giới như điểm du lịch tại xã Na Ngoi với điểm nhấn là chinh phục đỉnh Puxailaileng với độ cao 2.720 m, được ví là “nóc nhà” của dãy Trường Sơn Bắc. Điểm du lịch ở xã Mường Lống với cảnh sắc tươi đẹp, được xem là “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ, có các hoạt động vui chơi, giải trí như hội chọi bò và chợ phiên của đồng bào Mông. Điểm du lịch bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý với nét đẹp bản sắc văn hóa của đồng bào Thái đầu nguồn dòng Nậm Nơn và ngôi tháp cổ Xốp Lợt soi bóng bên dòng sông hùng vĩ.
Ngoài ra, nhiều người còn biết đến chợ biên giới Nậm Cắn, phiên chợ đậm tình hữu nghị của hai nước Việt - Lào hay lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu vào dịp đầu Xuân.
Từ 3 năm trước, huyện đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa để thu hút du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho địa phương. Gần đây, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các đoàn khảo sát có sự tham gia của đại diện Vụ Lữ hành - Cục Du lịch Quốc gia; CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội; Chi hội Lữ hành Nghệ An; đại diện các doanh nghiệp và các đơn vị Báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh khảo sát, đánh giá một số sản phẩm du lịch. Phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai 2 dự án có lồng ghép phát triển du lịch tại các xã: Mường Lống, Mỹ Lý, Tây Sơn và Nậm Cắn.
Theo bà Cụt Thị Hương - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong thời gian qua, lượng khách du lịch đến với Kỳ Sơn đang ngày càng tăng cao, trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.800 lượt, doanh thu du lịch đạt 2,5 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường bằng các việc làm cụ thể như: chủ động đầu tư xây dựng thêm các homestay, thành lập các đội biểu diễn văn nghệ, cung ứng sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách gắn với Đề án giao đất giao rừng, phát triển dược liệu dưới tán rừng, nâng độ che phủ rừng lên toàn huyện trên 52%. Cùng với đó là phát triển các mặt hàng đặc trưng của huyện, xây dựng thương hiệu OCOP cho các sản phẩm: Bò giàng, thổ cẩm, gà đen, gừng, chè Tuyết Shan…
Mở hướng đi bền vững
Đề án phát triển du lịch Kỳ sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn dến năm 2030 đã xác định các sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Theo TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch nông thôn, huyện Kỳ Sơn cần tiến hành khai thác hai cung đường du lịch cảnh quan miền núi kỳ vĩ là: Mường Xén - Mường Lống và Mường Xén - Na ngoi, vì theo đánh giá hai cung đường này thuận lợi và an toàn hơn các cung đường khác. Tập trung quy hoạch chi tiết, xây dựng khai thác được sớm hai điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn để có tiếng vang.
Xã Mường Lống cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 60 km, là đích đến của cung đường tuyệt đẹp, hai bên là các dãy núi cao hùng vĩ phủ các thảm rừng nguyên sinh dầy đặc có độ cao đến 2000 mét, đi qua một số bản làng dân cư. Cung đường khá an toàn do đa số đoạn đường không quá sát vách núi, giao thông ổn định. Thế mạnh Mường Lống là khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ và đất đai bazan màu mỡ, cộng với bản sắc văn hóa được các thế hệ của các gia đình dân tộc Mông gìn giữ thuần khiết. Có hợp tác xã nông nghiệp và du lịch với các sản phẩm đặc sản như dược liệu, rau, hoa ôn đới, lợn, gà đen và bò thịt hữu cơ tại các thung lũng cao nguyên.
Sau đó, tiếp tục khai thác các điểm du lịch khác như chợ biên giới Nậm Cắn, khu chợ biên giới duy nhất ở các cửa khẩu Việt Nam là chợ ẩm thực và nông sản Việt - Lào; làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Noọng Dẻ vẫn còn hơn trăm nếp nhà sàn, đa số là nguyên bản của 113 gia đình dân tộc Thái nằm sát chợ biên cửa khẩu Nậm Cắn.
Bên cạnh đó, Kỳ Sơn nên chú trọng tới một số di tích lịch sử, danh thắng nổi bật như: Đỉnh Puxailaileng, chợ biên giới (Nặm Cắn), rừng Pơmu (Tây Sơn), tháp cổ Yên Hòa (Mỹ Lý), Mường Lống. Hỗ trợ và duy trì các làng nghề: Nghề dệt ở các bản Noọng Dẻ (Nặm Cắn), bản Na Loi, Piêng Lau (Na Loi), bản Xốp Thặp, Bản Na (Hữu Lập)…; nghề đan lát ở bản Đỉnh Sơn 1, bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm), nghề rèn của người Mông ở Mường Lống, Nặm Cắn. Hỗ trợ, củng cố và duy trì các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, các đội văn nghệ quần chúng trong các thôn bản hiện có; từng bước nhân rộng các Homestay, các làng nghề tại các xã trong huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Trong phát triển du lịch, vấn đề quan trọng dầu tiên là hạ tầng, gồm: Hệ thống đường giao thông, phương tiện đi lại, điều kiện ăn ngủ, tiện nghi sinh hoạt, vệ sinh, nước sạch, viễn thông và các dịch vụ kèm theo. Huyện nên tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách mỗi khi về với Kỳ Sơn.
Hơn nữa, nằm trong khu vực miền Tây Nghệ An, vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển du lịch ở Kỳ Sơn là tăng cường kết nối với các điểm đến trong khu vực. Vì xu thế hiện nay khách du lịch không chỉ tham quan một điểm mà muốn được trải nghiệm ở nhiều điểm với sản phẩm du lịch khác nhau. Các điểm đến trên cùng một cung đường cần tìm ra thế mạnh, đặc trưng riêng và đặc sắc nhất của mình để liên kết với nhau, giúp nhau cùng lớn mạnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối các công ty lữ hành và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để khách du lịch đến với Kỳ Sơn ngày càng nhiều hơn.
Tại Hội thảo về giải pháp phát triển bền vững du lịch Kỳ Sơn, TS. Ngô Kiều Oanh nhấn mạnh: “Huyện Kỳ Sơn cần bổ sung vào bản quy hoạch tổng thể việc gắn kết các sản phẩm và các hoạt động du lịch vào các quy hoạch như giao thông, nông, lâm nghiệp, thương nghiệp, văn hóa giáo dục, đào tạo nghề mang tính hệ thống. Trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi. Từ đó có các chính sách cụ thể làm bật lên được sức mạnh nội sinh để hấp dẫn ngoại lực, tức các nguồn đầu tư”./.