jh-1724743495.jpg
Hội thi với nội dung chống nạn tảo hôn ở xã Huồi Tụ_Ảnh: CTV

Mấy năm gần đây, xuất hiện thêm kiểu “bắt vợ” qua mạng xã hội. Chuyện “bắt vợ” xảy ra nhiều dẫn đến vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tăng cao. Chúng tôi về các trường học ở Kỳ Sơn mới hay còn đó chuyện đời lắm nỗi éo le ẩn sau những trang sách học trò.

Huyện Kỳ Sơn có 17 trường phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở (PTDTBT - THCS), một trường nội trú THCS, một trường THCS thị trấn. Học sinh đa số là người Mông, Thái, Khơ Mú. Theo ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn - 7 trường PTDTBT - THCS ở đây thường xảy ra chuyện “bắt vợ” trực tiếp và “bắt vợ” qua mạng xã hội. 

Năm 2022, số vụ “bắt vợ” tăng cao nhất, gồm 54 em. Các năm tiếp theo đã giảm dần do các cơ quan chức năng của huyện và phòng giáo dục và đào tạo vào cuộc ráo riết với nhiều phương cách hữu ích khác nhau. Sáu tháng đầu năm 2024, số học sinh bị “bắt vợ” trong các trường học chỉ còn 11 em.
Chúng tôi tìm đến các điểm trường Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi - nơi từng có nhiều vụ “bắt vợ” cả trực tiếp lẫn qua mạng xã hội - để hiểu thêm nghịch cảnh trong đời sống của những “người vợ” chưa đến tuổi.

Thích là chat (tán gẫu) để “bắt vợ”

Thầy giáo Ngô Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Huồi Tụ - cho biết, năm 2023 trường có 2 học sinh nam lớp 9 đi “bắt vợ”; 2 học sinh nữ lớp 9 và 2 học sinh nữ lớp 8 bị “bắt” làm vợ qua mạng xã hội. Hai học sinh nam đi “bắt vợ” là Hờ Bá Sơn 15 tuổi, lớp 9B, “bắt vợ” rồi ở nhà. Hờ Bá Phách 16 tuổi, lớp 9A, “bắt vợ” rồi đưa đi làm công nhân công ty. 

Bốn học sinh nữ bị “bắt” làm vợ, gồm: Hờ Y Dìa, 14 tuổi, lớp 8A, về làm dâu xã Tây Sơn; Vừ Hoài Phương, 14 tuổi, lớp 8A về xã Mường Lống; Và Y Nhìa, 15 tuổi, lớp 9A về xã Đoọc Mạy; Vừ Y Hoa, 15 tuổi, lớp 9A về xã Na Ngoi.

Đây là điểm trường rộ tin “bắt vợ” qua mạng xã hội khá nhiều trong năm 2023. Vì sao lại xuất hiện chuyện “bắt vợ” kiểu mới này? Thầy Tuấn giải thích: “có học sinh nam từng nói rất thật với bạn là thích thì chat trên mạng để “bắt vợ”. Các học sinh dùng mạng xã hội để “bắt vợ” chỉ vì người đi “bắt” và người bị “bắt” ở cách làng, cách bản, cách xã hàng chục cây số nên khó khăn trong việc tiếp cận “đối tượng”. 

Việc dùng điện thoại cá nhân, mở mạng là có thể trò chuyện, tâm sự rất dễ xảy ra. Thực tế này cho thấy, khi mạng xã hội phổ biến trong làng bản đến trường học thì học sinh dễ dàng “đến với nhau”, thậm chí “đến với nhau” nhanh hơn so với kiểu “bắt vợ” trực tiếp do phải đi thăm gặp nhiều lần rồi rình rập mới “bắt” được vợ.

Trường PTDTBT-THCS Mường Lống thuộc xã Mường Lống là xã vùng cao, vùng xa, cách trung tâm huyện 45km. Theo thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, điểm trường này có số vụ “bắt vợ” đứng thứ hai sau điểm trường Huồi Tụ. Riêng năm học 2022 - 2023, ở đây có 16 “cặp” nam nữ học sinh lớp 8, lớp 9 là những nhân vật chính trong tổng số 54 vụ “bắt vợ” tại các trường. 

Lý do xảy ra các vụ “bắt vợ” ở đây được thầy Hiệu trưởng Lô Khăm Phu lý giải: “do các em nghĩ, học xong ít được đi ngành nghề hoặc thấy các anh chị bỏ học đi làm công nhân tại các công ty hoặc rủ nhau đi mưu sinh cùng cha mẹ”.

Chúng tôi muốn biết thêm một số trường hợp cụ thế của việc “bắt vợ” xảy ra dưới những mái trường vùng cao, vùng xa Mường Lống, thầy Phu không giấu nổi sự ngạc nhiên. Thầy kể, năm học 2023 - 2024 có một cặp nam lớp 9 “bắt vợ” lớp 8 và cặp nam lớp 9 “bắt vợ” cùng lớp. Trong cặp thứ hai, nữ sinh Xồng Y Chi, lớp 9B “bị” bắt làm vợ vì một lý do rất giản đơn, khi em được bên nhà gái trong bản nhờ đi làm phù dâu một đám cưới. Do nữ sinh này trang điểm đẹp quá nên một nam sinh “hút hồn” rồi quyết “bắt vợ” ngay tại đám cưới.

Nơi có số vụ “bắt vợ” nhiều nhất ở Kỳ Sơn là điểm trường PTDTBT-THCS Na Ngoi. Ông Lầu Bá Chỏ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Na Ngoi - cho biết, riêng năm 2023 trên địa bàn xảy 58 trường hợp “bắt vợ”. Người bị “bắt” làm vợ chủ yếu là học sinh trường PTDTBT-THCS, có em mới 13 tuổi. Có cặp sau khi “bắt” xong liền rủ nhau đi làm công ty nhưng công ty không nhận, vì chưa đủ tuổi. 

Đầu năm 2024, có 2 nữ học sinh lớp 7 đùa nhau với bạn trai rồi theo về nhà chồng. Biết tin, nhà trường báo ủy ban nhân dân xã. Các ban ngành chức năng của xã đến 2 gia đình giải thích, vận động thì bên nhà chồng không tổ chức đám cưới và đồng ý để hai nữ học sinh về nhà, đi học trở lại.

Từ hội thi văn nghệ nhà trường...

Nạn tảo hôn trong các trường học ở Kỳ Sơn để lại nhiều gia cảnh đẫm nước mắt khi cặp vợ chồng còn quá ít tuổi. Có nữ học sinh mới 14 tuổi đã sinh 2 con. Có nữ học sinh sinh 2 - 3 con nhưng chưa đủ tuổi làm mẹ, chưa biết lao động. Có nữ học sinh bị “bắt vợ” năm 15 tuổi rồi ly hôn. Hậu quả của những vụ “hôn nhân trẻ con” này không chỉ gây nên nạn tảo hôn, xáo trộn tâm lý học sinh mà còn gây thêm nạn hôn nhân cận huyết thống, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển giống nòi.

Ông Phúc tâm sự: “để ngăn ngừa vấn nạn này, hệ thống giáo viên các trường PTDTBT-THCS phải là nơi vào cuộc sớm nhất vì tương lai của học sinh đang được ươm mầm dưới những mái trường của mình và vì chức năng của hệ thống giáo dục. Điểm tới đầu tiên của nhà trường là các gia đình. Ban ngày giáo viên lên lớp, ban đêm dù trời mưa gió thì họ vẫn kiên nhẫn đến gặp gỡ ban quản lý bản và các gia đình của học sinh. 

Khổ nỗi, có gia đình nghĩ “làm” căng quá, sợ con ăn lá ngón tự tử. Theo ông Phúc, cách tốt nhất vẫn là kế hoạch của ban giám hiệu trong việc tổ chức các nhóm giáo viên thay nhau gặp gỡ, giải thích điều hay, lẽ phải cho học sinh. Thầy giáo Lô Khăm Phu dẫn câu chuyện cảm động ngay tại trường mình: “khi ban giám hiệu trường này mời học sinh Xồng Y Chi bị “bắt” làm vợ ngay trong đám cưới thì Xồng Y Chi đã khóc. 

Từng giọt nước mắt của nữ học sinh này như nhòa trong từng lời cảm ơn chân tình gửi đến các thầy cô - những người quan tâm chu đáo đến chuyện buồn đã qua của Chi.

Sau những buổi gặp gỡ học sinh như thế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn tổ chức Hội thi văn nghệ “Chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại tất cả các điểm trường PTDTBT-THCS. Các tiểu phẩm do giáo viên biên soạn, học sinh làm diễn viên. Hội thi tổ chức theo cụm trường, ủy ban nhân dân các xã chủ trì. Các hội thi đều có giải thưởng cho chất lượng tiểu phẩm và khả năng biểu diễn của học sinh. 

“Trước dịp nghỉ tết hoặc nghỉ hè, các cụm trường diễn lại những tiết mục trong hội thi, tải vào video để chuyển cho các gia đình và học sinh giống như chiếu lồng ghép trong các tiết học. Ngoài ra, nhà trường yêu cầu phụ huynh, học sinh ký vào bản cam kết “không “bắt vợ” kể cả trực tiếp hoặc qua mạng xã hội, không vi phạm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” giống như học sinh từng ký cam kết trong những buổi chào cờ sáng thứ hai tại các trường học”, ông Phúc cho hay.

jhh-1724743569.jpg
Thầy giáo Lưu Văn Duẩn (phải) và cán bộ biên phòng vận động học sinh Cử Bá Phia, lớp 9, từng “bắt vợ”, đi học trở lại_Ảnh: CTV

... đến nghị quyết phòng và chống tảo hôn của Huyện ủy

Tại Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn, chúng tôi tiếp cận những con số đáng báo động trong năm 2023: 100 học sinh tảo hôn trong trường học; 229 trường hợp tảo hôn ngoài trường học. Hai vụ án hình sự liên quan đến tảo hôn đã được Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn xét xử trong năm 2009, 2022. Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn thực hiện mức phạt hành chính theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, ngày 23-12-2021, tổng cộng 328,5 triệu đồng. 

Ông Lầu Bá Chò - Trưởng phòng Tư pháp huyện - cho biết, ngày 6-5-2024, Huyện ủy Kỳ Sơn ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, giai đoạn 2024 - 2030”.

Nghị quyết cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Tình trạng học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bỏ học do tảo hôn cũng giảm nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn đối với học sinh vùng đồng bào Mông, Khơ Mú. 

Nghị quyết nêu những con số cụ thể: trong giai đoạn 2020 - 2024, toàn huyện có 850 trường hợp vi phạm tảo hôn. Thực tế này ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực, là lực cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, quốc phòng an ninh và sự bền vững của địa phương.

Vì thế, Nghị quyết nêu mục tiêu số một là hằng năm, 100% số hộ gia đình cần được tiếp cận, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình. Duy trì 100% số học sinh THCS, THPT được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan đến tảo hôn và những hệ luỵ của nó. Bảo đảm 100% số người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ cam kết tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các quy định của pháp luật liên quan lĩnh vực này. 

100% số cán bộ văn hóa xã hội, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, hệ thống giáo dục,... nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông về hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Được biết, nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ, bắt đầu từ hệ thống trường học ở Kỳ Sơn./.