Dù kết quả, đúng như dự đoán trước đó, là không có đột phá nào; song sau cuộc gặp Tổng thống Nga Putin đã thấy được “thoáng hi vọng” về sự tin tưởng lẫn nhau; còn với Tổng thống Mỹ, quan hệ Nga - Mỹ đã có triển vọng thực sự để cải thiện. Dư luận hai nước cũng như quốc tế đều đánh giá tích cực về kết quả cuộc gặp này.
Tại 2 cuộc họp báo riêng sau Thượng đỉnh, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Tôi tin rằng không có sự thù địch ở đây mà ngược lại, cuộc họp của chúng tôi diễn ra có nguyên tắc. Dù có nhiều điểm khác biệt, nhưng cả hai bên đều thể hiện mong muốn tìm hiểu về nhau và tìm cách đưa các quan điểm của nhau trong các vấn đề xích lại gần nhau hơn. Cuộc trò chuyện rất mang tính xây dựng”.
Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đã khẳng định với Tổng thống Nga rằng, chương trình nghị sự của Mỹ không phải để chống Nga và cũng đặt hi vọng Nga không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ.
“Tôi không nghĩ Tổng thống Nga đang tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ. Nhưng trên thực tế, có thể ông ấy vẫn lo ngại rằng chúng ta đang tìm cách hạ gục ông ấy. Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều đó là động lực trong mối quan hệ mà Nga đang tìm kiếm với Mỹ”.
Dù cuộc gặp diễn ra một cách cởi mở, thực tế, không có những ngôn từ khiêu khích thù địch, đề cập đến một loạt vấn đề trong mối quan hệ song phương và quốc tế mà 2 bên cùng quan tâm như cuộc chiến Syria, vấn đề hạt nhân Iran,… song kết quả cuộc gặp được đánh giá không có nhiều đột phá. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, sau cuộc gặp Thượng đỉnh này, mối quan hệ Nga - Mỹ không thể cải thiện ngay lập tức. Do đó cần phải có thời gian để đánh giá những hợp tác tiềm năng giữa 2 bên có đạt được những kết quả mong muốn hay không.
Còn theo hãng tin Sputnik của Nga, kết quả rõ ràng nhất mà thế giới thấy được sau hội nghị, đó chính là việc các Đại sứ của Nga và Mỹ sẽ sớm trở lại công việc của mình, sau một thời gian bị triệu hồi về nước tham vấn. Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin - nước chủ nhà tổ chức hội nghị nhận định, đây là một khởi đầu tích cực.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng một điểm nhấn nữa của hội nghị chính là việc lãnh đạo hai nước xác nhận sẽ không để xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Trong khi, giới phân tích cho rằng, hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ chỉ là cuộc gặp bình thường để lãnh đạo 2 nước nêu ra các lập trường quan điểm của nhau, kiềm chế không để những căng thẳng mới phát sinh, song chưa thể giải quyết được các bất đồng.
Với Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của Đảng dân chủ Mỹ, cuộc gặp chỉ truyền đi thông điệp rằng Mỹ sẽ không ngó mắt làm ngơ trước các hành vi hiếu chiến của Nga. Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng, hội nghị diễn ra khá thành công, song Nga mới là bên thu về lợi ích, còn Mỹ đã “ra về tay trắng”.
Với một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa, họ đã chỉ trích cuộc gặp Thượng đỉnh quá sớm này chính là món quà tặng của chính quyền Mỹ dành cho Tổng thống Nga Putin thay vì các động thái cứng rắn nên có./.
VOV.VN - Dưới đây là những điểm khác biệt đáng chú ý khi so sánh Hội nghị Thượng đỉnh của cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden với Tổng thống Nga Putin.