Hơn 3 năm sau khi cấp phép, dự án hơn 1.200 tỷ đón đầu cầu Cửa Hội vẫn chưa thành hình. Dù vậy, với tiềm lực của chủ đầu tư, người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn kỳ vọng dự án sớm được triển khai xây dựng, trở thành một tổ hợp nghỉ dưỡng đồng bộ, hiện đại.
 
Cầu Cửa Hội có vốn đầu tư 950 tỷ đồng bắc qua sông Lam, nối hai bờ Nghệ An - Hà Tĩnh đang tích cực thi công và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020.
 
Cây cầu dài 5,3km được đánh giá có vai trò đột phá, giúp kết nối khu vực Cửa Lò ở Nghệ An sang dải ven biển Nghi Xuân (Hà Tĩnh) giàu tiềm năng, song vẫn chưa được khai phá.
 
Khác với đầu biên kia Nghệ An vốn không còn quỹ đất lớn để triển khai dự án, thì ở phía Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã nhanh chân xin những dự án ở vị trí đẹp nhất. Trong đó, dự án quy mô và có vị trí đắc địa nhất phải kể đến tổ hợp Khu du lịch sinh thái biển Xuân Hội do CTCP Tư vấn và xây dựng An Giang Dragon Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
 
Theo tìm hiểu, An Giang Dragon Hà Tĩnh được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo Quyết định số 395 ngày 25/1/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
 
Quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khi đó là ông Đặng Quốc Khánh ký nêu rõ quy mô dự án là 99ha tại vùng Đồng Luồng, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Phía Bắc giáp hành lang an toàn cửa Sông Lam, phía Nam giáp khu dân cư xã Xuân Trường, phía Tây giáp hành lang Cảng cá Xuân Hội, phía Đông giáp biển Đông.
 
Quy mô đầu tư gồm khối khách sạn cao 25 tầng, khối dịch vụ cao 2 tầng, nhà hàng, trung tâm thương mại, quảng trường, biệt thự biển, biệt thự vườn, khu công viên cây xanh và hồ điều hoà, khu du lịch sinh thái...
 
Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.261 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 252 tỷ đồng (20%), 1.009 tỷ đồng, tương đương 80% còn lại là vốn huy động hợp pháp khác.
 
Tiến độ thực hiện dự án là 4 năm, chia làm hai giai đoạn, từ tháng 1/2017 - Quý II/2018 hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư và thi công, hoàn thành toàn bộ các công trình hạ tầng; từ quý III/2018 đến hết Quý IV/2020: Đầu tư đồng bộ, thi công hoàn thành và đưa tất cả các công trình của dự án vào hoạt động.
 
Ngày 22/11/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có Quyết định 3424 về việc điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án. Diện tích dự án lúc này giảm về 93ha, quy mô đầu tư cũng thay đổi khối khách sạn từ 25 tầng thành 5-7 tầng với khoảng 560 phòng tiêu chuẩn 5 sao. Tiến độ thực hiện dự án về cơ bản giữ nguyên, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Đáng chú ý, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ xem xét chấm dứt hiệu lực Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư mà không bồi thường trong trường hợp đến hết Quý I/2018 mà Nhà đầu tư không hoàn thành các hồ sơ thủ tục theo quy định để xây dựng các hạng mục công trình dự án.
 
Tuy nhiên, phải đến ngày 26/4/2018, An Giang Dragon Hà Tĩnh mới có tờ trình số 18/TTĐTAGD về Đồ án quy hoạch 1/500. Trên cơ sở đó, cùng với báo cáo kết quả thẩm định của Sở Xây dựng tại Văn bản số 216 ngày 4/5/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 14/5/2018 mới có Quyết định số 1422 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án.
 
Những tưởng sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, chủ đầu tư sẽ nhanh chóng triển khai thi công dự án. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế của PV vào đầu tháng 6/2020, khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao vẫn chỉ là những đồng cỏ, bụi rậm, chưa có dấu hiệu xây dựng nào.
 
Thông tin với PV, ông Nguyễn Tiến Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, dự án này chưa xây dựng, hiện phía chủ đầu tư mới chỉ phối hợp với địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, lên phương án đền bù cho một số hộ dân nằm trong vùng quy hoạch, để giải phóng mặt bằng.
 

 
Đằng sau dự án là một nhóm nhà đầu tư có tiếng ở Nghệ An. Ảnh: Văn Tuân
 
An Giang Dragon
 
Với tiến độ hiện nay, gần như chắc chắn dự án sẽ không thể bắt kịp "deadline" theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Trong lúc này, một vấn đề lớn đặt ra, là năng lực thực sự của chủ đầu tư dự án ra sao?
 
Theo tìm hiểu, CTCP Tư vấn và Xây dựng An Giang Dragon Hà Tĩnh được thành lập tháng 12/2016, tức là ngay trước thời điểm được chấp thuận dự án. Vốn điều lệ theo đăng ký cũng vừa vặn 250 tỷ đồng, xấp xỉ 20% vốn đầu tư dự án; trong đó, 80% được nắm giữ bởi công ty mẹ - CTCP Tư vấn và Xây dựng An Giang Dragon, 1% khác thuộc về nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Thị Nhung.
 
An Giang Dragon được thành lập cuối năm 2011, đóng trụ sở tại số 111-C3B, khối 3, phường Đội Cung, TP. Vinh, Nghệ An, do bà Trịnh Thị Thơm làm Giám đốc. Nữ doanh nhân sinh năm 1974 cũng là người có nhiều năm đảm trách vị trí Giám đốc doanh nghiệp dự án An Giang Dragon Hà Tĩnh, trước khi chuyển giao cho ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1987) vào cuối tháng 2/2020.
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhung đang là Giám đốc CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Bắc Miền Trung (TP.Vinh).
 
Bà Trịnh Thị Thơm và bà Nguyễn Thị Nhung là "cặp bài trùng" ở Nghệ An khi cùng nhau thành lập nhiều doanh nghiệp. Đơn cử là CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Thành có vốn 1,5 tỷ đồng đăng ký hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thuỷ lợi, điện, viễn thông. Trong đó bà Trịnh Thị Thơm góp 50%, bà Nhung có 45% và một cá nhân cùng địa chỉ thường trú với bà Nhung là ông Nguyễn Hữu Tuấn sở hữu 5% còn lại. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã giải thể đầu năm 2017, chỉ ít tháng sau khi thành lập.
 
Nhưng thương vụ đình đám nhất phải kể đến việc hai nữ doanh nhân này cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư Megastar vào tháng 3/2017; vốn điều lệ 30 tỷ đồng, mỗi người góp một nửa. Megastar đăng ký hoạt động trong lĩnh vực hoạt động xổ số, cá cược và đánh bạc, nên biết, sau đó được Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) chấp thuận làm đại lý trên địa bàn Nghệ An.
 
Cơ cấu sở hữu của Megastar sau đó có nhiều biến động, khi cá nhân Trần Trọng Nghĩa (SN 1992) từng sở hữu tới 30% phần vốn, tỷ lệ nắm giữ của bà Trịnh Thị Thơm và bà Nguyễn Thị Nhung giảm về lần lượt 40% và 30%. Tuy nhiên cập nhật từ cuối năm 2019 đến nay, bà Thơm trở thành chủ sở hữu tuyệt đối của đại lý Vietlott tại Nghệ An với tỷ lệ chi phối 95%, 5% còn lại thuộc về bà Nguyễn Thị Nhung.